"

ĐẤT ĐAI

1. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ:
    1. Giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ lập và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của phường, thị trấn và xã thuộc khu vực phát triển đô thị. 
    2. Trình UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; 
    3. Tổ chức thực hiện việc điều tra khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất và lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, lập, quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính; ký hợp đồng thuê đất; đăng ký giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất đối với các tổ chức theo quy định của pháp luật;
    4. Tham gia định giá các loại đất ở địa phương theo khung giá, nguyên tắc, phương pháp định giá các loại đất do Chính phủ quy định; tham gia thẩm định các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. 
Quản lý việc đăng ký đất đai, lập, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống kê, kiểm kê đất đai.

Báo cáo kết quả thống kê, kiểm kê đất đai năm 2005 ...

Hình ảnh hoạt động của đất đai

2. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG 

a) Giai đoạn từ năm 1981 đến 1985 
    Ngành Địa chính nay là ngành Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã triển khai đăng ký thống kê ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết qủa đã đăng ký kê khai ruộng đất 84 xã với diện tích 282 103 ha; phân hạng đất thí điểm được 16 809 ha đất lúa. Công tác cấp giấy chứng nhận được triển khai thực hiện từ năm 1991. Khối lượng công việc cấp giấy CNQSDĐ rất lớn và phức tạp, do đó trong thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã huy động nhiều lực lượng tham gia thực hiện công tác đăng ký, cấp giấy CN.QSDĐ, lập hồ sơ địa chính như các đơn vị chuyên môn thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường, các lực lượng tư nhân trong và ngòai tỉnh ký hợp đồng trực tiếp với Sở. Tới năm 2000 việc tổ chức thực hiện công tác này theo hình thức Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện tự tổ chức thực hiện. Trong những năm đầu, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu triển khai thực hiện đối với các xã vùng nông thôn. Năm 1992, 1993 bắt đầu tổ chức thực hiện thí điểm cho một số khu vực đô thị và cho tới năm 1998, 1999 mới triển khai đồng lọat đối với các phuờng xã, thị trấn. Tuy nhiên trước mắt UBND tỉnh tập trung cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các phường, xã thành phố Biên Hòa, đối với các thị trấn thì UBND cấp huyện chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

b) Trước tháng 3 năm 2001
    Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp trong việc thẩm định hồ sơ tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy. Tháng 3/2001 chức năng quản lý nhà được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và môi trường thẩm định hồ sơ cấp giấy. Thực hiện Luật Đất đai năm 2003, tháng 6/2004 việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại thành phố Biên Hòa được phân cấp cho UBND thành phố Biên Hòa và cơ quan Tài nguyên và Môi trường thành phố Biên Hòa thực hiện thẩm định hồ sơ cấp giấy các lọai đất cho hộ gia đình, cá nhân tại thành phố Biên Hòa.

c) Từ 1991 đến nay
    Ngành Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã tập trung thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất của ngành. Kết quả tính đến 31/12/2005 toàn tỉnh đã triển khai đăng ký được 409 340 hồ sơ với diện tích 407 489 ha; UBND các cấp trong tỉnh đã ký cấp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng đất được 344 133 giấy với tổng diện tích cấp giấy là 229 719 ha. Trong đó khu vực đô thị ký cấp được 84 063 giấy, đạt tỉ lệ 60.22% so với hồ sơ đăng ký. Khu vực nông thôn ký cấp được 260 070 giấy, đạt tỷ lệ 96.42% so với hồ sơ đăng ký. Kết quả thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong những năm qua đã giúp nhà nước nắm chắc được quỹ đất để lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm hạn chế các tranh chấp về đất đai trong nhân dân; đồng thời tạo cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, phấn khởi, yên tâm sản xuất, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng đất đai để cải thiện đời sống, từng bước làm giàu chính đáng trên thửa đất của mình./.

3. CÁC THỦ TỤC QUY ĐỊNH

 

"