TẠI SAO PHẢI THỰC HIỆN PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN?
29/07/2021
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhìn chung vẫn chưa đi vào đời sống của đại đa số người dân Việt Nam. Trong khi, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ lâu và gặt hái thành công, phải kể đến như Nhật Bản, Canada, Singape, Hà Lan,… Tại nước ta, nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hơn 10 năm qua. Riêng tại Đồng Nai, chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay vẫn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng. Do đó, nhằm tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, ngày 24/3/2020 Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh với quyết tâm thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn.

   

    Vì sao người dân phải thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn?

    Việc thực hiện tốt phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, lợi ích cả về kinh tế và môi trường.

 

    Quản lý tốt chất thải tại nhà giữ cho không gian sống sạch sẽ. Phân loại chất thải thực phẩm làm giảm khối lượng chất thải phát sinh mùi hôi do quá trình phân hủy, hạn chế nước rỉ rác và côn trùng. Chất thải thực phẩm sau phân loại được tận dụng để làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ phân hữu cơ tại nhà tùy vào nhu cầu và điều kiện của hộ gia đình. Phân loại chất thải tái chế để bán cho người thu mua phế liệu hoặc cho người thu gom chất thải rắn tại địa phương. Đây cũng là một cách hay để chia sẻ với người khác, đồng thời góp phần vào việc tăng cường các hoạt động tái chế, tái sử dụng và tiết kiệm tài nguyên. Bọc kỹ lưỡng các chất thải sắc nhọn trước khi thải bỏ và phân loại chất thải nguy hại để đúng nơi quy định giúp hạn chế những sự cố gây hại cho sức khỏe không đáng có cho người thân, người thu gom chất thải và động vật nuôi hoặc nguy hại cho môi trường. Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn còn giúp hộ gia đình tiết kiệm được phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt khi địa phương triển khai áp dụng cách tính chi phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt mới trong thời gian tới. Sau khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ gia đình, cá nhân sẽ được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại chứ không đóng phí bình quân theo hộ như hiện nay. Đồng nghĩa với việc thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn, hộ gia đình sẽ trả phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt hàng tháng một cách tiết kiệm nhất.

   

    Khi các hộ gia đình bàn giao chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đơn vị thu gom sẽ tiết kiệm được thời gian phân loại và sử dụng tối ưu không gian lưu chứa của phương tiện thu gom. Việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đã phân loại về khu xử lý chất thải cũng hạn chế rất nhiều tác động đến môi trường, giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

   

    Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giúp tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm diện tích chôn lấp, thu hồi vật liệu, thu hồi năng lượng, tạo nguyên liệu làm phân compost, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường từ quá trình xử lý chất thải. Từng nhóm chất thải theo tính chất, đặc điểm riêng được xử lý bằng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp. Chất thải tái chế đưa về cơ sở tái chế để thu hồi vật liệu; chất thải thực phẩm được đưa về nhà máy sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ; chất thải còn lại được đưa về các lò đốt để thu hồi nhiệt hoặc được chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; chất thải nguy hại đưa về cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại để xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải phân loại càng tốt, quá trình xử lý với công nghệ phù hợp càng tối ưu.

 

    

Chất thải không được phân loại làm tăng tỷ lệ chôn lấp chất thải tại

các bãi chôn lấp gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường

   

    Trong trường hợp không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ (kể từ ngày 10/7/2021 sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Tại khoản 4, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định rõ “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định”. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 2, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022).

   

    Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thể hiện trách nhiệm cá nhân trong vai trò là người tiêu dùng - trách nhiệm phải thải bỏ chất thải đúng nơi, đúng cách, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một lối sống văn minh hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững. Điều 43, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường.

   

    Một hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn, hãy cùng hợp tác, thực hiện nghiêm túc chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Mỗi người dân, từng gia đình, từng khu phố chủ động, khuyến khích động viên nhau thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đoàn thể cùng hợp tác, triển khai tuyên truyền, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại trụ sở, văn phòng. Cả xã hội cùng chung một nỗ lực thực hiện thành công chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhất định trong thời gian ngắn hành vi phân loại chất thải tại nguồn sẽ trở thành thói quen thường nhật của mỗi người dân tỉnh nhà./.

Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường