Lũ rút, xóm làng xơ xác hiện ra
22/11/2007
Năm cơn lũ liên tiếp ập xuống miền Trung. Thiệt hại về người và của là rất lớn.

Lũ đi qua, còn lại...

Dấu vết của cơn lụt còn hằn lên tường nhà, trên cột điện ven đường có chiều cao cả hai mét tính từ mặt đất. Cho đến nay, nhiều người dân vùng lũ vẫn lặn lội, nhặt nhạnh hòng vớt vát ít nhiều phần tài sản, nông sản của mình đã bị lũ cuốn trôi. Trận lụt vừa qua đã cuốn trôi của vợ chồng cụ Phạm Văn Mùi 74 tuổi, thôn Quảng Huế, xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) gần 3 sào rưỡi chuối và đu đủ. Cụ bảo, “lúa dù đã thu hoạch được nhưng có cũng như không vì bị hư hỏng đến nỗi làm thức ăn cho vịt nó cũng chê”.

Thiệt hại nhiều nhất phải kể đến các xã ở thượng nguồn hai sông Thu Bồn, Vu Gia vốn làng xóm dựng nên trên các bãi bồi dưới chân núi, hai bên hai vách núi, nước lên chảy rất xiết. Gần 100 nhà đã bị nước cuốn trôi. Đây là nơi xa xôi, đường bộ chưa thông, chỉ đến bằng đường thuỷ nên sự cứu trợ đến với bà con thật ít. Tất thảy đều tự dựa vào sức mình và sự cưu mang của bà con, hàng xóm. Chị Hoàng Thị Hồng rớm nước mắt: “Nhờ tấm lòng của xóm làng mà tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...”.

Thường thường hàng cứu trợ được chia thành từng suất, mỗi suất hỗ trợ cho một hộ gia đình nhưng ở Sơn Tịnh vì quá nhiều người bị thiệt hại trong khi hàng cứu trợ lại có hạn, nên đã có những nơi mà chính quyền địa phương và người dân thống nhất “linh động” san sẻ hàng cứu trợ. Một suất hàng cứu trợ được chia cho hai hộ.

Ngoài bà con xóm làng, người dân vùng lũ còn trông chờ vào sự trợ giúp của con cái đi làm ăn xa. Ông Phan Văn Sáu ở thôn Ô Đà, xã Đại Thắng (Đại Lộc, Quảng Nam) nói: “Nhà nào có con cái đi làm ở thành phố Đà Nẵng hoặc vào Sài Gòn may vá thì còn đỡ, chúng gởi về một vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn cũng làm được nhiều chuyện lắm. Nhà nào không có người đi làm xa coi như không có chỗ nào để bấu víu nhờ cậy. Khó lắm!”.

 

Mưu sinh ngày lũ

Trong những ngày mưa gió lạnh lẽo, nước lũ về dâng trắng cánh đồng, phong toả các con đường khiến khách bộ hành phải luỵ đến ghe thuyền và nhiều hộ làng chài ven sông có thêm việc làm: nghề đưa đò...

Tuy là nghề “tranh thủ”, nhưng qua một mùa bão lụt các chủ ghe có thêm khoản thu nhập kha khá trong những ngày nông nhàn. Trong những ngày lũ chồng lên lũ khi những con đường lớn liên huyện, liên xã bị ngập trong nước lũ thì lượng người, xe cộ ứ đọng ở hai đầu càng đông. Thấy đông khách “cầu” vượt “cung” khá lớn, nhiều người sắm xuồng vốn để gia đình đi lại mùa lũ lụt, nay chuyển sang đưa khách để kiếm thêm thu nhập.

Ông Phan Văn Thu, chủ nhân chiếc thuyền kẽm qua bờ tràn gần Phong Thử, tâm sự: “Hành khách của tôi chủ yếu là các công nhân, học sinh và những người buôn bán nhỏ ở địa phương. Phải khuân xe và chèo chống suốt ngày, thân mình luôn ướt sũng, nên tối về đau ê ẩm, không nuốt nổi cơm”. Bù lại, mỗi ngày gia đình ông có thu nhập 200.000 đồng từ việc đưa khách qua đoạn bờ tràn này. Với người dân vùng ngập lụt, thu nhập 200.000 đồng/ngày quả là rất lớn.

Mùa lũ cũng là mùa đi đặt úm, thả lưới, đánh rớ. Nghề này không kiếm ra tiền nhưng hào hứng và cải thiện đáng kể cho bữa cơm gia đình, nhất là khi chợ búa không đông, cá mắm dưới biển không thể lên vì bị tắc đường.

VPS