Đồng Nai đẩy mạnh việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh
13/04/2022
Nước dưới đất có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt khi nó là nguồn nước cấp chủ yếu tại một số địa phương. Tổng lượng nước khai thác trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.341.670 m3/ngày với khoảng 396.437 công trình. Trong đó số lượng công trình khai thác nhỏ lẻ (lưu lượng khai thác nhỏ hơn 10 m3/ngày) khoảng 364.495 công trình.

 

Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng nước dưới đất kéo theo những vấn đề như gia tăng nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún mặt đất…. đặc biệt với tỉnh Đồng Nai có các tầng chứa nước phân bố nông, nước chủ yếu trong các thành tạo đá Bazan và khe nứt Jura, mức độ chứa nước trung bình, nhiều nơi nghèo nước, trữ lượng nước thay đổi theo mùa, vào mùa khô mực nước hạ thấp không đủ khả năng khai thác; chất lượng nước dưới đất dễ bị ảnh hưởng bởi các nguồn thải bên mặt. Theo kết quả của dự án Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Đồng Nai thì nước dưới đất có dấu hiệu ô nhiễm Amoni, Nitrit, Nitrat, Phenol dạng điểm…

 

Biên Hòa là địa phương có nhiều vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do đã có nguồn nước máy thay thế

 

Do đó, việc ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hết sức quan trọng và đặc biệt cần thiết làm cơ sở cho việc thẩm định cấp phép khai thác nước dưới đất, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất; dự trữ nguồn tài nguyên nước dưới đất góp phần chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đây là cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh làm căn cứ để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch cấp nước sạch, trong đó ưu tiên các khu vực đang bị hạn chế khai thác nước dưới đất.

 

Ưu tiên sử dụng nước sông, hồ để cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt

 

Nhận thức được các nội dung trên, từ năm 2020 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 về việc phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

 Ban hành kèm theo danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án hạn chế khai thác nước dưới đất tại Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 về việc phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, nguyên tắc xây dựng phương án khai thác nước dưới đất là phải thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo lộ trình phù hợp, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước. Trong trường hợp khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất chưa có hệ thống cấp nước sạch thì vẫn gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất, ưu tiên phục vụ mục đích sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy, chống thiên tai…

 

 Trên cơ sở các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được ban hành, các sở, ngành và địa phương căn cứ để ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho các vùng bị hạn chế khai thác nước dưới đất.

 

Việc ban hành danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như làm suy giảm mực nước ngầm, gây cạn kiệt tầng chứa nước. Ngoài ra, mực nước ngầm hạ thấp làm tăng nguy cơ xâm nhập chất bẩn từ trên bề mặt xuống các tầng chứa nước, làm biến đổi chất lượng nước, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt với tỉnh Đồng Nai có các tầng chứa nước phân bố nông, có mối quan hệ với nước mưa và nước mặt (tầng chứa nước thường lộ trên mặt, được bổ cập trực tiếp từ nguồn nước mưa, nước mặt). Chất bẩn có thể đi theo thành các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém để thâm nhập vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm nước dưới đất. Quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm… Khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài, tốn kém.

 

Do đó, việc triển khai thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên này để sử dụng hợp lý, phục vụ khai thác lâu dài và bền vững./.

 

Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh