TP.HCM: "đào lấp - lấp đào" triền miên
06/12/2007
TT - Ngày 6-12, đi tìm câu trả lời vì sao có những lĩnh vực, công trình, dự án cứ trì trệ, nói hoài không chuyển hoặc "thấy bóng mà không thấy hình", nhiều đại biểu HĐND TP.HCM trong ngày làm việc thứ ba kỳ họp thứ 12 cho rằng công tác cán bộ còn nhiều bất cập.
  "Thử hỏi có giám đốc sở nào được quyền chọn, bổ nhiệm phó giám đốc của mình; có giám đốc nào toàn quyền kỷ luật, cách chức một nhân viên dưới quyền khi có sai phạm?" - ĐB Lê Nguyễn Minh Quang đặt câu hỏi.

Không năng lực không dám quyết!

Ông Lê Nguyễn Minh Quang nhận định: với cơ chế chỉ giao trách nhiệm mà không giao quyền quyết định nhân sự bộ máy cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì công việc khó mà "chạy" được. Khi không tạo được êkip làm việc có chuyên môn, chuyên nghiệp để xử lý dứt điểm các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách thì cái gì cũng đùn lên UBND.

Theo ĐB Quang, cần hình dung UBND phải là "hội đồng quản trị”, sau khi thống nhất các đầu việc thì giao trách nhiệm và quyền giải quyết công việc đó cho "giám đốc" các sở ngành, chứ theo cơ chế hiện nay trình lên trình xuống là lạc hậu so với sự phát triển.

ĐB Võ Văn Sen đồng tình: "Chúng ta chưa thật sự chú ý đến con người - đội ngũ cán bộ công chức, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, bố trí, kiểm tra, đánh giá... cho đến chính sách, đãi ngộ còn mang tính hình thức". Ông Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng việc bố trí cán bộ không có chuyên môn, không đủ năng lực, trái nghề vào cương vị điều hành, chỉ đạo đang là một cản ngại lớn cho sự phát triển.

Ông Quang dẫn chứng nguyên nhân những công trình chậm, trong đó có gói thầu số 7 dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, là do thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ quản lý dự án từ khâu soạn thảo hợp đồng, giải quyết những phát sinh...

ĐB Nguyễn Việt Dũng cho biết: "Không chỉ bị xử lý kỷ luật nhiều mà cán bộ xin nghỉ việc, chuyên viên xin nghỉ việc nhà nước cũng nhiều. Thật đáng tiếc khi nhiều người xin nghỉ việc đều là những người có chuyên môn, có năng lực".

Trong khi đó, cũng theo ông Dũng, nhiều người đang làm việc thì tính chuyên môn trong chuyên ngành không cao, không chuyên sâu. "Do vậy khi họ nói thì cứ theo nghị quyết. Và như vậy khó có thể phát huy được trách nhiệm cá nhân, mọi việc cứ đưa ra bàn, quá đề cao trách nhiệm tập thể". Ông Dũng đặt câu hỏi: "Vì sao như vậy? Do chế độ lương hay do cơ chế quản lý, điều hành của chúng ta?". ĐB Nguyễn Văn Bạch có câu trả lời: "Cơ chế cũng do con người tạo ra và cũng chính con người tạo ra các thủ tục rồi lại điều hành nó”.

Từ những thực tế đó, ông Võ Văn Sen đề nghị tiếp tục chọn năm 2008 làm năm cải cách hành chính mà trọng tâm là "đột" vào khâu cán bộ, bộ máy hành chính, nhằm chuẩn bị tiền đề thực thi "chính quyền đô thị” vào năm 2009.  

Trợ giá xe buýt: chưa rõ hiệu quả nhưng vẫn chi

Các công trình xây dựng cơ bản chậm có phần do vướng việc di dời các công trình liên quan như điện, điện thoại, nước… "Ông" này thực hiện được thì "ông" kia còn đang trình dự án và cứ thế mà chờ nhau, vì vậy xảy ra tình trạng đường đào lên lấp xuống, rồi lại đào lên…, gây bức xúc trong nhân dân

Ông Nguyễn Hữu Tín (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Liên quan đến một số khoản chi ngân sách, đặc biệt là khoản hàng trăm tỉ đồng cho trợ giá xe buýt, một số ý kiến đã bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả việc sử dụng ngân sách cho khoản chi này. Một số ĐB cho rằng đề xuất khoản chi ngân sách 450 tỉ đồng trợ giá xe buýt cho năm 2008 là còn cao. "Việc đề xuất khoản chi này dựa trên cơ sở nào?" - một số ĐB thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - trưởng Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP, cho đến nay việc trợ giá xe buýt chưa tổng kết để đánh giá, xem xét hiệu quả thực chất của khoản chi ngân sách này, ngoài một số báo cáo của Sở Giao thông công chính TP có đánh giá bước đầu.

Một số vấn đề xung quanh khoản chi ngân sách này hiện chưa lý giải được. Một số biểu hiện cần xem xét như không chỗ nào trợ giá xe buýt giống nhau, nhiều vấn đề quản lý trong trợ giá xe buýt chưa thực hiện chặt chẽ. "Tôi hứa sẽ làm kỹ hơn xung quanh khoản chi ngân sách này" - ông Hoàng nói.

Giám đốc Sở Giao thông công chính TP Trần Quang Phượng "hứa" sẽ giảm dần các tuyến xe buýt trợ giá, riêng vấn đề sắp xếp các tuyến, ông cho rằng "hoạt động xe buýt mang tính phục vụ cộng đồng rất cao, nếu thấy ít người đi mà giảm phục vụ sẽ rất dở". Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài khẳng định chủ trương trợ giá xe buýt là đúng nhưng cần tổng kết vấn đề này để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, tránh lãng phí ngân sách... 

Năm 2008: chấm dứt điệp khúc "đào lấp - lấp đào"?

Trao đổi với các ĐB HĐND TP, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nhìn nhận các công trình xây dựng cơ bản chậm có phần do vướng việc di dời các công trình liên quan như điện, điện thoại, nước... Điệp khúc "đào lấp - lấp đào" triền miên này nói mãi mà chưa khắc phục được. Theo ông Tín, việc này là do mỗi công trình có một chủ đầu tư, "ông điện" có kế hoạch riêng, "ông điện thoại" có kế hoạch khác..., không đồng bộ về mặt thời gian.

"Ông" này thực hiện được thì "ông" kia còn đang trình dự án và cứ thế mà chờ nhau, dẫn đến công trình hoàn thành rất chậm, không đúng tiến độ, vì vậy xảy ra tình trạng đường đào lên lấp xuống, rồi lại đào lên, gây bức xúc trong nhân dân. "Hóa giải" vướng mắc này, UBND TP chủ trương thực hiện "tổng thầu" đối với các công trình xây dựng cơ bản, chỉ do một "ông" làm. UBND TP sẽ tạm ứng trước kinh phí, sau đó các ngành có liên quan sẽ quyết toán lại kinh phí cho TP. Từ năm 2008 sẽ thực hiện chủ trương công trình sẽ làm đồng bộ.

Ông Nguyễn Hữu Tín cũng cho biết thêm: định hướng qui hoạch của TP theo hướng đa trung tâm chứ không tập trung một số khu vực, nhất là nội thành. Ông Tín hứa với HĐND TP quí 1-2008 sẽ có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề qui hoạch "treo", đồng thời hoàn thành qui hoạch 1/2.000 toàn TP và khi đó cũng sẽ có câu trả lời luôn cho cốt nền xây dựng của TP.

Ngoài ra, ông Tín cũng nhìn nhận cải cách hành chính công chưa làm hài lòng người dân, đôi khi ách tắc công việc xảy ra giữa các sở - ngành với nhau. Dứt khoát năm 2008 phải đẩy mạnh thanh tra công vụ để chỉ rõ trách nhiệm ở đâu.

Hôm nay 7-12, HĐND TP tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và thông qua một số nghị quyết, trong đó có nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, bảng giá đất 2008, đầu tư xây dựng cơ bản... Sau đó kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP khóa VII sẽ bế mạc.

Thông qua một số nghị quyết

Chiều 6-12, HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự thảo một số nghị quyết như: tổng quyết toán ngân sách năm 2006; kế hoạch biên chế sự nghiệp năm 2008 của TP (tổng biên chế 99.602 biên chế, trong đó biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo là cao nhất với hơn 63.000). HĐND TP cũng thông qua dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2008, một số lĩnh vực như: bán nhà, thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước; phí và lệ phí... 

                                                  Theo tuoitre.com.vn