Mùa khô này, người dân sẽ khát nước!
06/12/2007
TT - Số lượng, nhu cầu sử dụng nước máy của người dân đang tăng lên theo cấp số nhân. Nhiều nhà máy nước đang phải chạy hết công suất, trong khi có nhà máy xây dựng xong trùm mền... Dự báo mùa khô này người dân TP.HCM sẽ khát nước.

Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã gắn 5.800 đồng hồ nước của kế hoạch năm 2007. Dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục gắn thêm vài trăm đồng hồ nước nữa. Tương tự, số lượng đồng hồ nước được gắn tại Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn là 10.500 - vượt chỉ tiêu 500 cái, và dự kiến đến cuối năm (âm lịch) còn gắn thêm 1.500 đồng hồ.

Chi nhánh cấp nước Tân Hòa cũng cam kết sẽ phát triển mạng lưới và gắn mới 4.000 đồng hồ nước cho người dân tại phường 12, 15, quận Tân Bình trước Tết Nguyên đán. Theo các công ty cổ phần, chi nhánh cấp nước, việc số lượng đồng hồ được gắn mới vượt kế hoạch là do sau nghị định 117 của Chính phủ (gắn đồng hồ miễn phí), số lượng người dân xin lắp đồng hồ tăng đột biến.

Người sử dụng tăng, nguồn không đổi

Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng số liệu thực tế cho thấy chỉ tiêu gắn 52.000 đồng hồ nước trong năm 2007 tại tất cả các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) sẽ lớn hơn rất nhiều. Sản lượng nước tiêu thụ trong tháng tại một số đơn vị cấp nước cũng bắt đầu tăng lên.

Ngày càng có nhiều hộ dân sử dụng nước máy lẽ ra là một tín hiệu vui, nhưng các công ty cổ phần cấp nước tỏ ra lo ngại khi nguồn từ nhiều năm nay vẫn không đổi và hiện đang quá tải so với nhu cầu.
Hiện tổng công suất cấp nước toàn TP hơn 1.230.000m3/ngày, trong đó nguồn nước mặt từ các nhà máy xử lý nước: Thủ Đức (công suất 750.000m3/ngày), Bình An (100.000m3/ngày) và Tân Hiệp (300.000m3/ngày) chiếm đến 93%. Nhưng lãnh đạo các nhà máy này cũng thừa nhận đã phát công suất tối đa liên tục trong nhiều tháng qua do nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức, còn cho biết để đảm bảo nhu cầu có thời điểm nhà máy chạy vượt công suất cho phép.

Bơm nước, được bọt khí

Cung không đủ cầu nên nước yếu đi là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, ngày 2-12, người dân khu vực Nhà Bè cho biết nước máy đang có dấu hiệu yếu hơn trước, một số khu vực bị tụt áp. Anh Nguyễn Văn Chính, địa chỉ 15/8 Đặng Nhữ Lâm, than vãn: "Lúc trước, nước máy còn chảy từ 1g-3g sáng.

Nhưng rạng sáng 2-12 nước không còn chảy nữa, chúng tôi phải dùng máy bơm hút mới có. Tình trạng nước máy chập chờn như vậy không phải mới xảy ra lần đầu tiên tại khu vực này trong mấy tuần qua". Một người dân ở đây còn cho biết có hôm phải canh gần đến sáng nhưng không thấy nước chảy, bật máy bơm thì hứng được toàn bọt khí. Chị Nguyễn Thị Liên ở hẻm 492 Huỳnh Tấn Phát cho biết phải mua nước từ các xe bồn với giá 25.000 đồng/200 lít những hôm nước máy không chảy.

Ông Nguyễn Doãn Xã, phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, cho biết áp lực nước về khu vực quận 7, huyện Nhà Bè qua cầu Tư Dinh đã bắt đầu giảm từ 2,2kg/cm2 xuống còn 1,4kg/cm2. Hiện công ty đã cho xe bồn cung cấp nước trở lại sau những ngày "nghỉ đông". Có hơn 30 chuyến xe bồn/ngày vận chuyển từ 400-500m3 nước sạch cung cấp cho những khu vực cuối nguồn của Nhà Bè. Cụ thể là cung cấp cho khu vực kho B, bến phà Bình Khánh, các hẻm 1026, 1040 Huỳnh Tấn Phát...

Giá nước tăng

Anh Nguyễn Văn Lý - người phụ trách điểm đổi nước tại KP.5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức - cho biết mấy ngày qua trời nắng nóng nên người đến mua nước cũng nhiều hơn trước. Sáng nào cũng có hàng chục người đứng chen nhau mua nước từ rất sớm để kịp giờ đi làm. Hai bồn nước 10m3/bồn trước đây bán trong cả ngày nhưng mấy ngày nay chưa đến 10 giờ đã hết sạch. Những người ra trễ phải chạy xe máy qua cầu Ông Dầu (cách đó khoảng 1,5km) để mua nước giá 1.000 đồng/can 30 lít (tính ra hơn 33.000 đồng/m3). Một hộ dân trên quốc lộ 13 cho biết: "Như vậy còn rẻ chứ kêu xe ba gác đổi nước còn đắt hơn. Trước đây, giá 15.000 đồng/200 lít giờ tăng lên 20.000 đồng, hẻm sâu và xa có thể lên cao hơn. Chúng tôi thắc mắc, mấy ông chở nước nói do xăng dầu tăng giá...". Có thời điểm giá nước máy khu vực này vượt ngưỡng 100.000 đồng/m3. Nhiều người lo ngại "cơn bão giá nước" sẽ tiếp tục leo thang khi tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra trong mùa khô này.

Tuy nhiên theo đánh giá của Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, lượng nước này chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân. "Mới bước vào mùa khô đã xảy ra tình trạng thiếu nước nên thời gian tới tình hình sẽ còn tiếp tục căng thẳng..." - ông Xã nói. Theo số liệu từ Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, sản lượng nước tiêu thụ trong tháng 11-2007 đã tăng hơn 100.000m3 so với thời điểm tháng mười và dự báo còn tiếp tục tăng nữa.

Tại Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, hằng ngày cũng có gần chục chuyến xe bồn cung cấp nước cho khu vực thiếu nước của phường 1, quận 8 (khu vực hẻm 231 Dương Bá Trạc). Trong khi đó, người dân trên đường liên tỉnh 5, phường 5 ghi nhận áp lực nước trong mấy ngày qua cũng đã giảm nhiều so với trước đó.

Nhiều hộ dùng máy bơm vẫn không hút được nước máy. Nhiều người dân khác tại các phường trên các tuyến đường Âu Dương Lân, Phạm Thế Hiển, Đặng Chất... thuộc các phường 1, 2, 3 lo ngại tình trạng nước máy yếu sẽ tiếp tục khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng, đặc biệt số lượng gắn đồng hồ trên địa bàn quận 8 còn khá lớn.

Ông Lê Trọng Hiếu, phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước  Chợ Lớn, cho biết hiện Sawaco đang thực hiện lắp đặt một đường ống cấp nước từ cầu số 2 đến cầu Chữ Y (lấy nước từ Nhà máy Tân Hiệp) về bổ sung cho các khu vực thiếu nước trên. Dự án này có thể hoàn thành trong quí 1-2008. "Khi đó, khu vực của quận 7, Nhà Bè có thể thiếu nước nghiêm trọng hơn do lượng nước đã bị san sẻ một phần cho quận 8" - ông Hiếu cảnh báo.

Không chỉ tại quận 8, Nhà Bè mà hàng trăm người dân tại nhiều khu vực thuộc các khu phố 4, 5, 6 của phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cũng đang thấp thỏm lo "khát nước" trong mùa khô này. Do chưa có hệ thống nước máy nên người dân ở đây phải mua từng can nước máy tại các điểm đặt bồn (do Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cung cấp) dùng nấu ăn, uống.

Bó tay nhìn dân khát nước?

Tình trạng khan hiếm nước sạch đang có dấu hiệu xảy ra ở một số khu vực và có khả năng tiếp tục lan rộng. Nhiều nhà máy nước không có khả năng "cứu viện" vì đã chạy hết công suất từ nhiều tháng qua. Trong khi người dân TP đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch thì Nhà máy BOO Thủ Đức (công suất 300.000m3/ngày) đã xây dựng xong nhưng chưa thể phát nước được do đường ống chưa xây dựng xong.

Việc Nhà máy BOO Thủ Đức chậm phát nước không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư hàng tỉ đồng mỗi tháng, mà còn làm hàng ngàn người dân TP phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nguyên nhân do công tác đền bù giải tỏa quá chậm. Ngày 5-12, ông Trương Khắc Hoành, phó giám đốc Công ty cổ phần nước BOO Thủ Đức, cho biết hiện trên địa bàn quận 2 vẫn còn một vài hộ chưa giải tỏa xong, toàn bộ tuyến ống chỉ đạt khoảng 60% tiến độ. Đến tháng 6-2008, việc thi công tuyến ống mới có thể hoàn tất để đưa nước về khu vực cuối nguồn của Nhà Bè.

Người dân bức xúc: mùa khô này nước máy sẽ thiếu trầm trọng, những giải pháp nào giải quyết tình trạng này, làm sao bảo đảm chất lượng nguồn nước...? Tất cả những câu hỏi này chúng tôi đã chuyển đến Sawaco trong nhiều ngày qua nhưng hiện vẫn chưa nhận được sự hồi đáp.

                                          Theo www.tuoitre.com.vn