2 độ C biến đổi thế giới
11/12/2007
Thời kỳ nóng bất thường năm 2003, băng tan ở Bắc Cực, tuyết bốc hơi ở núi Kilimanjaro... là những hiện tượng khí hậu không thể bỏ qua. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa: trái đất đang nóng dần lên...


Đảo lộn cuộc sống

Khi mua hàng, Patrick, 40 tuổi, Giám đốc nhân sự một hộp đêm cao cấp ở Paris, không chỉ quan tâm các sản phẩm công nghệ sinh học mà còn quan tâm cả lượng năng lượng cần thiết để sản xuất và vận chuyển sản phẩm. Anh giải thích: “Năng lượng phải mất cho một hũ yaourt dâu tương đương 5g dầu”. Và như thế lại thêm khí thải vào khí quyển.

Có nhiều người như Patrick, đã thay đổi thói quen để mong không phải chứng kiến cảnh trái đất biến thành một “nồi áp suất”. Dần dà đã hình thành những phản xạ mới như tắt máy nước nóng khi thoa xà phòng dưới vòi sen, đặt mua qua mạng Internet hàng làm sẵn, chọn các sản phẩm đóng gói bằng màng tinh bột ngô thay vì bao bì nhựa... nhằm hạn chế khí thải CO2.

Riêng với các nhà khoa học, việc đếm ngược đã bắt đầu. Trong 50 năm nữa, nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất sẽ tăng thêm gần 2OC. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự báo, lượng khí CO2 thải vào khí quyển sẽ tăng gấp đôi. Sự thay đổi mới của khí hậu này sẽ làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta.

Bắt đầu là với bánh mì. Trái đất nóng lên sẽ kích thích lúa mì lớn rất nhanh, cho năng suất hoàn hảo, nhưng chất lượng bánh mì sẽ không tốt. Bởi lúa mì lớn quá nhanh sẽ chứa nhiều tinh bột nhưng ít protein nên sẽ cho ra loại bột ít dậy men. Tóm lại, nếu không làm gì cả, chúng ta sẽ phải chấp nhận một loại bánh mì dai với ruột bánh không đặc. Để tránh “thảm họa ẩm thực” này, Viện Nghiên cứu nông học quốc gia (INRA) đang tìm các giống lúa mì có thể cho loại bánh mì ngon cả khi nhiệt độ tăng cao. INRA đã quyết định không tiếc công sức nghiên cứu vấn đề thay đổi khí hậu, với kịch bản là tỷ lệ CO2 thải vào khí quyển sẽ tăng gấp đôi trong thế kỷ tới.

 

Nhà nông âu lo

Ngành nông nghiệp đương nhiên được quan tâm hàng đầu. Nhiều loại hoa màu sẽ được chuyển lên trồng ở phía Bắc. Bắp và hướng dương có thể sẽ được đưa đến tận Đan Mạch, trong khi Hy Lạp sẽ trồng được bông vải.

Những người đầu tiên lên tiếng báo động về ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu nóng dần lên có thể chính là những người gác rừng. Bởi khi nhiệt độ và khí CO2 tăng, cây cối trong rừng bắt đầu phát triển quá cỡ. Các nhà nghiên cứu thuộc INRA đang lo lắng trước hiện tượng này. Theo họ, nếu chúng ta không làm gì, cây rừng sẽ phát triển hơn nữa, trở nên quá cao và dễ bị ngã đổ khi có bão.

Ở miền Nam Pháp, các nhà nghiên cứu đang gấp rút làm thí nghiệm tại những vùng đất đủ sức chịu đựng nắng nóng và ít hút nước. Họ bỏ cây bắp, thay thế bằng bo bo. Jean Luois Peyraud của INRA cảnh báo: “Chúng tôi đang nghiên cứu thức ăn cho bò sữa làm từ bo bo, thức ăn này có nguy cơ làm thay đổi mùi vị của sữa và phô mai”.

Cây ăn quả cũng không tuân theo quy luật. Táo, mơ, đào, lê ra hoa sớm hơn trước từ 15 đến 20 ngày do khí hậu bị xáo trộn. Đó không phải là điều tốt. Marc Kleinhetz, một nhà nghiên cứu ở INRA, nhận xét: “Vấn đề này rất nhạy cảm. Phải mất trung bình 15 năm để hoàn thiện một giống trái cây mới. Nếu chúng ta không tìm được những giống thích nghi với khí hậu mới, một số nhà vườn phải thay đổi giống canh tác”.

Loại cây gây lo âu nhiều nhất cho nhà nông là nho. Tại Bordeaux, mùa hái nho diễn ra sớm hơn trước 16 ngày. Tại Châteauneuf-du-Pape, người ta hái nho sớm hơn đến một tháng so với 50 năm trước. Nhiệt độ tăng làm mùi vị rượu thay đổi, bởi cái nóng làm nho ngọt hơn. Điều này cũng giải thích tại sao các hãng rượu ngày càng ít thêm đường vào rượu. Một chuyên gia cảnh báo: “Nếu không thay đổi kỹ thuật trồng nho, rượu nho Bordeaux sẽ có vị gần giống với rượu vang California”.

                                               Theo www.monre.gov.vn