Đất cát phục vụ xây dựng tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Cân đối không dễ !
11/12/2007
Nhu cầu vật liệu san lấp (VLSL) và cát xây dựng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày một lớn, nhưng tiềm năng khai thác lại hạn hẹp. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng đề ra trong quy hoạch khai thác khoáng sản đến năm 2010 để khắc phục nguy cơ thiếu hụt về vật liệu san lấp và cát xây dựng, nhưng xem ra thực hiện không dễ.

Thiếu trầm trọng

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bà Rịa – Vũng Tàu vừa trình UBND tỉnh quy hoạch bổ sung các điểm khai thác khoáng sản đến năm 2010 nhằm tăng trữ lượng khoáng sản đáp ứng nhu cầu sử dụng và tạo điều kiện quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 120 điểm mỏ khai thác khoáng sản với tổng diện tích 3.457 ha, gồm 28 mỏ đá xây dựng, 5 mỏ gạch ngói, 1 mỏ cát xây dựng, 1 mỏ than bùn và 85 mỏ VLSL. Theo tính toán của Sở TN&MT, với trữ lượng cho phép khai thác trong các điểm mỏ này, đến năm 2010 nhu cầu về đá xây dựng, gạch ngói có thể đáp ứng được, nhưng cát xây dựng và VLSL thì thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, đến năm 2010 nhu cầu VLSL có thể lên đến 118 triệu m3, trong khi đó trữ lượng các mỏ chỉ có khoảng 104 triệu m3. Như vậy, khả năng nguồn cung chỉ đáp ứng được 88,7% nhu cầu, tỷ lệ thiếu hụt lên đến 11,3% (khoảng 13 triệu m3). Tương tự, có thể thiếu đến 3,5 triệu m3 cát xây dựng so với nhu cầu. Do tốc độ xây dựng và phát triển mạnh, huyện Tân Thành và TP.Vũng Tàu là hai địa bàn sẽ thiếu trầm trọng nhất về hai nguồn khoáng sản này.

 

Xuống biển lấy cát: Không dễ

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng các KCN và công trình xây dựng khác, Sở TN&MT phối hợp cùng các địa phương và các ngành chức năng khảo sát bổ sung thêm hai điểm có thể khai thác cát san lấp được. Đó là khu vực núi Bao Quan (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) và cát ngoài khơi khu vực Phước Tỉnh và vịnh Gành Rái, Sao Mai – Bến Đình. Điểm cát nhiễm mặn ngoài khơi Phước Tỉnh cách bờ khoảng 5 km về phía nam, có diện tích 1.000 ha, trữ lượng khoảng 10 triệu m3. Các luồng thuộc cửa sông Cái Mép – Thị Vải (vịnh Gành Rái), luồng cảng Sao Mai – Bến Đình, ngành giao thông vận tải đã có kế hoạch nạo vét kết hợp việc tận thu cát từ lâu, nhưng chưa thực hiện. Thời gian gần đây, hai luồng này có rất nhiều bãi cạn gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, nhất là các tàu có trọng tải lớn. Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu cho biết, Cảng vụ đã xin kế hoạch nạo vét luồng Sao Mai – Bến Đình với kinh phí lên đến 130 triệu USD. Do kinh phí quá lớn nên Chính phủ yêu cầu hoãn nạo vét, chờ kế hoạch xây dựng cụm cảng số 5 theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng của cả nước. Theo ông Chiến, giải pháp kết hợp vừa nạo vét luồng lạch, vừa tận thu cát san lấp là “nhất cử lưỡng tiện”. Tuy nhiên, theo vị trí đã khảo sát thì có một số điểm ngoài khơi cần nạo vét nằm rất xa, khu vực này sâu và sóng rất to. Vì vậy, việc khai thác để tận thu cát cũng không dễ. Nếu thực hiện phương thức xã hội hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh là giao khoán cho doanh nghiệp khai thác “lời ăn, lỗ chịu”, thì chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và phương tiện lớn mới bảo đảm khai thác được an toàn và hiệu quả.

 

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng - Tại sao không ?

Thực tế trong quá trình cấp phép đầu tư cho thấy, đa số các nhà đầu tư thích xây dựng dự án ở gần khu vực cảng để thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu. Trong khi đó, những khu vực này thường là những nơi sình lầy, ngập mặn. Trước tình trạng mất cân đối quá lớn giữa cung và cầu VLSL và cát xây dựng, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng địa phương. Đối với những vùng trũng, bị lầy ( như khu vực dọc sông Thị Vải – Cái Mép) có thể chuyển một số dự án không thật cần thiết phải bám sát hệ thống cảng sang khu vực khác ít có nhu cầu về vật liệu san lấp, hoặc có thể cắt bớt một số dự án đã quy hoạch nhưng chưa triển khai.

Trong trường hợp không thể điều chỉnh, tỉnh cũng cần cảnh báo về thực trạng và nguy cơ thiếu hụt nguồn VLSL trầm trọng cho các chủ đầu tư chủ động tìm giải pháp xử lý nền móng công trình thay cho giải pháp san lấp ngay từ bước thỏa thuận lập dự án. Khi xây dựng dự án cần thẩm định kỹ nhu cầu sử dụng VLSL, nguồn cung và giải pháp san nền.

                                             Theo www.monre.gov.vn