Ai phá rừng?
11/12/2007
Nếu có điều kiện thăm Vườn quốc gia Bạch Mã ở Huế, các bạn sẽ thấy trong phòng trưng bày có một cách cửa ghi chữ “Ai phá rừng, muốn biết bạn hãy mở cánh cửa này ra”. Khi mở cánh của ấy ra, bạn sẽ nhìn thấy một tấm gương, và câu trả lời đến với bạn, chính hình ảnh của bạn nằm trong tấm gương đó…
  Tôi có may mắn được làm việc cho WWF trong một khoảng thời gian ngắn cách đây 4 năm, và sau này, khi làm việc tại một trường đại học tôi lại có những nghiên cứu liên quan đến sinh kế của người dân vùng cao, và gần đây nhất, tôi có cơ hội đi sâu tìm hiểu đời sống của các cộng đồng nghèo ở Lào, Việt Nam và cả Campuchia nữa.

 

Tôi không nghiên cứu bảo tồn phát triển rừng, nhưng những gì đập vào mắt tôi những nơi tôi đã từng đi qua khiến mình không thể làm thinh được.

1. Kế sinh nhai

  Có dịp gặp một ông phó chủ tịch huyện nọ, tôi được nghe ông ấy than vãn: “Ý thức của người dân ở đây kém lắm anh ạ, đã có nhiều hình thức tuyên truyền nhưng họ vẫn cứ vào rừng chặt củi, đốn gỗ vì thế mà rừng càng ngày càng kiệt quệ”.

 

Rồi một dịp khác, khi giảng dạy cho một khoá học của các kiểm lâm về bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam trong chương trình của WWF, các cán bộ kiểm lâm than thở: “Lâm tặc hoành hành dữ lắm, lực lượng kiểm lâm thì mỏng không làm sao đối phó được”.

 

Và một lần khác tôi đã trực tiếp nói chuyện với một “lâm tặc” chính hiệu, “hắn” mới ở trong rừng 1 tuần ra để tiếp tế lương thực. “Hắn” phàn nàn: “Khổ lắm anh ạ, tôi có muốn làm cái việc này đâu, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn, lấy gì để nuôi vợ nuôi con?”

 

Và trong các cuộc thảo luận nhóm gần đây nhất với cộng đồng các dân tộc miền núi, những người tham gia cũng đã thú nhận là họ có phá rừng.

 

Đúng vậy, không ai khác, kẻ phá rừng chính là những tên lâm tặc mà tôi đã được gặp và nói chuyện, kẻ phá rừng chính là những người dân bản địa vì kế sinh nhai. Nhưng hãy nhìn nhận lại sự việc một cách công bằng, khi tôi đặt mình vào vị trí của họ, tôi nghĩ có thể tôi cũng sẽ trở thành “lâm tặc”.

 

2. Kẻ phá rừng giấu mặt?

 

Nếu có điều kiện thăm Vườn quốc gia Bạch Mã ở Huế, các bạn sẽ thấy trong phòng trưng bày có một cách cửa ghi chữ “Ai phá rừng, muốn biết bạn hãy mở cánh cửa này ra”. Khi mở cánh của ấy ra, bạn sẽ nhìn thấy một tấm gương, và câu trả lời đến với bạn, chính hình ảnh của bạn nằm trong tấm gương đó. Một hình thức giáo dục thật thú vị!

 

Tôi và có lẽ nhiều người trong các bạn cũng đã từng được ghé thăm hoặc ít ra được nhìn thấy trên truyền hình, báo chí hình ảnh các văn phòng Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, tỉnh, thành phố với những bộ bàn ghế bằng gỗ đen bóng với giá tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Những món đồ gỗ được chạm khắc rồng rắn, chim phượng với đầy vẻ nghệ thuật nhưng cũng mang trong nó cảm giác lạnh lẽo đến ghê người. Và thật trớ trêu thay, trong một cuộc họp tiếp đoàn cán bộ của WWF bàn về bảo vệ đa dạng sinh học thì chính chúng tôi và những quan chức cấp cao của tỉnh nọ được ngồi trên những chiếu ghế gỗ tiền triệu đó. Trong cuộc họp, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ai phá rừng và làm sao để hạn chế phá rừng?

 

Một lần khác được vinh dự mời về tư gia của một vị giám đốc sở nọ, ngay trước phòng khách đập vào mắt tôi là bộ đồ gỗ với tủ chè, phản ngựa, ghế giả cổ nguy nga. Ông giám đốc nọ tự hào khoe khoang về bộ sưu tập đắt tiền của mình. Còn tôi, lại một câu hỏi đặt ra: Ai phá rừng?

 

Trong một lần đi nhậu với những người bạn, một người trong nhóm đã đề nghị đi ăn thịt rừng. Nhưng cả nhóm không biết tìm đâu đành phải gọi điện một anh bạn làm kiểm lâm để được chỉ dẫn. Chỉ có kiểm lâm mới biết rõ nơi nào có thịt rừng chính hiệu. Thêm một lần tự hỏi: Ai phá rừng???

 

Trong một bài báo gần đây nhất của Lao Động với cái “tít”: “Bí thư huyện uỷ Quế Phong” là chủ nhân của ngôi nhà sàn 100 mét khối gỗ”. Bài báo đề cập ông huyện tên là Lô Chí Kiêm đang sử dụng một ngôi nhà sàn bằng gỗ mới dựng. Chưa đề cập đến chuyện ông ấy lấy tiền đâu ra để xây nhà to vậy thì riêng việc sử dụng chừng đó số gỗ cũng cho thấy là vô nhân đạo và phản cảm lắm rồi.

 

3. Hệ lụy

 

Hậu quả của nạn phá rừng chắc ai cũng đã biết đó là lũ quét, ngập lụt mà bằng chứng là trong năm nay, các tỉnh miền Trung xảy ra lũ lụt triền miên với sự thiệt hại về người và của vô cùng to lớn.

 

Trong những cơn bão lũ đó, chúng ta cũng được nghe báo đài đưa tin về các vị lãnh đạo liên tục trực chiến để giúp dân chống chọi và khắc phục hậu quả của bão lụt. Trong những lúc đó, không biết có vị cán bộ nào ngồi chiêm ngưỡng những bộ đồ gỗ sang trọng là một niềm tự hào của công sở và tư gia của mình không? Và bây giờ, khi ông bí thư huyện uỷ Quế Phong ngồi đàm đạo trà rượu với các tâm hảo của mình ở ngôi nhà sàn lộng lẫy không biết có thương xót cho mấy chục mạng người đã ra đi trong lũ?

 

Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động và giáo dục cộng đồng để hạn chế và chấm dứt việc phá rừng, nhưng không biết Chính phủ có chương trình giáo dục cán bộ, quy chế công sở về việc không sử dụng các sản phẩm từ rừng không? Thực tế, khi đọc bài viết này hẳn các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về kẻ phá rừng.

 

Trong tôi có một niềm mong mỏi rằng Quốc Hội sẽ thảo luận nghiên túc về vấn đề này, Chính phủ phải có hành động kịp thời về việc sử dụng các sản phẩm từ gỗ nơi các văn phòng công sở. Nếu không thì mọi hoạt động giáo dục cộng đồng và hoàn lương những “lâm tặc” coi như vô nghĩa.  

                                               Theo www.dantri.com.vn