Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu
27/09/2022
Ngày 25 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Đề án).

 

 

Thế giới đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chậm nhất đến năm 2050

 

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, mục tiêu chung của Đề án nhằm huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 

Đề án đặt ra 10 mục tiêu cụ thể cần đạt được, một trong những mục tiêu quan trọng đó là “Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi.”

 

 

Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nông nghiệp thông minh

 

Cùng với đó, Đề án đưa ra 08 nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, gồm:

 

1- Hoàn đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;

 

2- Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon;

 

3- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh;

 

4- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng;

 

5- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên;

 

6- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu;

 

7- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông;

 

8- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

 

Cũng theo nội dung Đề án, 31 nhiệm vụ ưu tiên triển khai kết quả Hội nghị COP 26 và 42 nhiệm vụ dài hạn thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã được Chính phủ đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

 

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh theo chỉ đạo tại văn bản số 8287/UBND-KTN ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Phạm Thị Hồng Yến