SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỒNG NAI HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ ĐA DẠNG SINH HỌC 22/5/2023
23/05/2023
Ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “From Agreement to Action: Build Back Biodiversity” - “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”. Chủ đề nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050 thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

 

 

Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023

 

Theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 thì đến năm 2030 với mục tiêu: Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

 

Đồng Nai nổi bật với 09 khu vực đa dạng sinh học gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, Rừng phòng hộ 600, Rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch, Núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc, Rừng phòng hộ huyện Tân Phú, Sông Đồng Nai và hồ Trị An, Sông Thị Vải và các lưu vực. Những khu vực mang giá trị đa dạng sinh học cao của tỉnh đã tạo nên những nét đặc trưng cơ bản về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị đa dạng về động thực vật, góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như của khu vực.

 

Luật Đa dạng sinh học quy định Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Điều này nhằm xác định rõ ràng trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong quốc gia.

 

Thực hiện các hành động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học; Các tổ chức có liên quan tăng cường nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, góp phần mang lại lợi ích về đa dạng sinh học và phúc lợi cho con người; tăng cường công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học, tạo dựng thông tin nền về hiện trạng đa dạng sinh học làm cơ sở cho quá trình ra quyết định về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kiểm soát chặt chẽ tác động của các dự án phát triển đối với các khu vực tự nhiên về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước quan trọng khác nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Liên hợp quốc.

 

Mỗi người dân phải có trách nhiệm chung tay để bảo tồn đa dạng sinh học, chung tay phát triển đa dạng sinh học thông qua các hành động thiết thực như sau:

 

- Không chặt phá rừng làm nương rẫy; không mang lửa vào rừng để tránh cháy rừng; không du canh, di dân và khai hoang; không khai thác trái phép gỗ và các lâm sản khác; tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng.

 

- Không đánh bắt động vật hoang dã trái phép; không sử dụng thịt từ động vật rừng, động vật quý hiếm; nhân giống, giữ giống nhằm bảo tồn động vật hoang dã để tránh bị tuyệt chủng để thế hệ con cháu chúng ta không chỉ nhìn thấy các loài động vật quý hiếm trên sách vở.

 

- Không vứt rác, xác động thực vật xuống các dòng sông, kênh, rạch; không phóng uế bừa bãi; không sử dụng phân tươi làm phân bón trong nông nghiệp; không xả trực tiếp nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra sông, suối; không lấn chiếm bờ sông, lòng sông, ao, hồ để sinh sống; không san lấp, cất nhà, làm đường trên đất nông nghiệp dẫn đến mất nước và mất khả năng giữ nước của đất; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn.

 

- Kịp thời phát hiện, phản ánh và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường như: Xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; săn bắt, buôn bán thú rừng; thực hiện tiết kiệm điện, nước là hành động gián tiếp để bảo tồn đa dạng sinh học; hạn chế sử dụng túi ni lông, không vứt bừa bãi chất thải ra môi trường; ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; chung tay thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn để tận dụng nguồn tài nguyên.

 

ĐỂ GÓP PHẦN BẢO TỒN TÍNH ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NÓI RIÊNG VÀ CẢ NƯỚC NÓI CHUNG, CHÚNG TA HÃY CÙNG CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG ĐỂ BẢO VỆ NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA!

 

 

Hoàng hôn tại khu đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên.

 

Trương Thị Ngọc