Phấn đấu hòan thành cơ bản công tác cấp giấy CNQSDĐ trên địa bàn toàn tỉnh
30/06/2006
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước với người sử dụng đất (SDĐ). Thông qua việc cấp giấy CNQSDĐ, Nhà nước nắm chắc được nguồn tài nguyên đất đai và người SDĐ sẽ có đủ điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước...
Nhận thức được tầm quan trọng của giấy CNQSDĐ và ngay từ đầu đã nhận thấy công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và tổ chức đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSDĐ là một lĩnh vực khá phức tạp, khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện, nên từ năm 1991 trở đi, tỉnh và ngành tài nguyên- môi trường (TN-MT) Đồng Nai đã tập trung đầu tư các nguồn lực cho công tác này. Nhờ đó, tòan tỉnh đến nay không những đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính ở tất cả 171 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã Long Khánh và TP.Biên Hòa (gồm 5.291 tờ bản đồ với nhiều tỷ lệ khác nhau), mà còn thực hiện xong việc kê khai, đăng ký đất đai cho 409.340 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân với diện tích đăng ký lên đến 407.489 hécta, đạt 69,1% so với tổng diện tích tự nhiên (590.215 hécta). Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã cấp được 344.133 giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở (gọi chung là giấy CNQSDĐ) với tổng diện tích 229.719 ha, đạt 89,9% số hộ đủ điều kiện cấp giấy. Trong đó có 84.063 giấy CNQSDĐ ở khu vực đô thị (đạt 74,1% số hộ đủ điều kiện cấp giấy) và 260.070 giấy CNQSDĐ ở khu vực nông thôn (đạt 96,6% số hộ đủ điều kiện cấp giấy).
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nếu xét về diện tích đã được cấp giấy CNQSDĐ, thì tỷ lệ cấp giấy đến nay vẫn còn đạt thấp. Vấn đề ở đây là làm sao để cấp hết giấy CNQSDĐ cho toàn bộ diện tích đất mà người dân đã sử dụng? Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực nhất định mới có thể thực hiện được. Đó là chưa kể, song song với việc đo đạc lập bản đồ địa chính, tổ chức kê khai đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ, công tác lập bộ hồ sơ địa chính cũng phải tiến hành thực hiện đồng thời để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đối với tỉnh Đồng Nai, bộ sổ địa chính được lập theo hai lọai: lập theo mẫu bộ sổ được ban hành theo hệ thống Luật Đất đai năm 1988 (có 9 xã) và lập theo mẫu bộ sổ được ban hành theo hệ thống Luật đất đai năm 1993 (có 162 xã). Hiện nay, tỉnh đang triển khai chuẩn hóa tòan độ dữ liệu bản đồ, hồ sơ địa chính, cập nhật chỉnh lý biến động đất đai lên bản đồ, hồ sơ địa chính; đồng thời chuyển đổi từ bộ sổ cũ sang bộ sổ mới được qui định tại Thông tư 29/2004/TT-TNMT.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05/2004/CT-TTg ngày 9-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ, về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003, tỉnh Đồng Nai cũng đang tập trung phấn đấu trong năm 2006 sẽ hòan thành cơ bản công tác đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSDĐ, mà trọng tâm là khu vực đô thị. Trong đó, ngay từ đầu năm, ngành TN-MT đã lập kế họach và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai và lập hồ sơ cấp 29.000 giấy CNQSDĐ tại TP.Biên Hòa; đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, kê khai đăng ký cấp giấy CNQSDĐ cho 17.754 thửa đất tại 6 phường và xã Bàu Trâm thuộc thị xã Long Khánh. Riêng các các xã vùng nông thôn cũng đã tổ chức thực hiện kê khai đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSDĐ tại các xã: Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân, Tân An (huyện Vĩnh Cửu); Phú Xuân (huyện Tân Phú), Bảo Quang (TX.Long Khánh); Long Phước (huyện Long Thành) và đang triển khai tiếp các xã Bình Hòa, Vĩnh Tân, Thạnh Phú (Vĩnh Cửu); Phú Hòa, Phú Cường, Gia Canh, Túc Trưng (huyện Định Quán); Thanh Sơn, Phú Lâm (huyện Tân Phú). Ngoài ra, ngành cũng đang tập trung chuẩn hóa dữ liệu bản đồ, hồ sơ địa chính, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, chuyển đổi bộ sổ địa chính cũ sang bộ sổ địa chính mới cho phù hợp với hệ thống Luật Đất đai năm 2003, phấn đấu hòan thành nhiệm vụ này vào tháng 7-2007.
Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất