Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khoá VII đã thông qua điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
28/08/2007
Ngày 19/7/2006, tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khoá VII đã thông qua điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là QHKS năm 1998).

Trong quá trình thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đã đặt một số câu hỏi về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản nêu trên, ông Võ Văn Chánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã có phát biểu, giải trình các ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau đây, chúng tôi xin trích đăng ý kiến phát biểu, giải trình của ông Võ Văn Chánh:
I. Vấn đề quản lý hoạt động khoáng sản:
1. Tình hình quản lý khoáng sản trong những năm qua:
Đánh giá những kết quả đạt được:
Nhìn chung, tình hình quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có nhiều tiến bộ, nhất là những năm gần đây nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nguồn tài nguyên này. Đã khai thác được nhiều khoáng sản cung ứng cho thị trường trong & ngoài tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, đặt biệt là đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội; góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá vật liệu chung trên thị trường.
Những hạn chế:
Bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác khoáng sản đã để lại một số hạn chế mà quí vị đại biểu đã có ý kiến đó là: môi trường bị ô nhiễm; một số tuyến đường giao thông xuống cấp, hư hỏng; bề mặt địa hình bị thay đổi; một số khu vực bờ sông, suối bị sạc lở….
Những hạn chế trên do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Một là: Về quy hoạch khoáng sản năm 1998, không còn phù hợp:
Chúng ta biết là pháp luật khoáng sản hiện hành qui định rất chặt chẽ việc hoạt động khoáng sản phải theo quy hoạch; trong khi đó quy hoạch khoáng sản năm 1998 không còn phù hợp, do:
- Trước đây việc điều tra, khảo sát địa chất chưa phủ kín trên địa bàn tỉnh nên chưa xác định đầy đủ các khu vực có tiềm năng khoáng sản vào trong quy hoạch (phát hiện thêm một số khu mới như: cát thêm 5 khu vực, đá thêm 5 khu vực, vật liệu san lấp 75 khu vực…).
- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên những áp lực ngày càng lớn đối với việc khai thác tài nguyên khoáng sản.
- Các quy hoạch khác đã thay đổi, điều chỉnh nên quy hoạch khoáng sản năm 1998 không còn phù hợp (bỏ 3 mỏ đá, 1 mỏ sét do vướng quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành; bỏ 1 mỏ sét do vướng khu du lịch Sơn Tiên…).
Hai là: Các doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các qui định trong hoạt động khai thác như: khai thác vượt độ sâu; khai thác ngoài khu vực cấp phép; chưa thực hiện đầy đủ việc giám sát môi trường định kỳ; các xe vận chuyển sản phẩm quá tải; chưa thực hiện đúng qui định đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác…
Ba là: Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
- Trước 2003 cấp tỉnh nhiều cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý khoáng sản nên chưa thật sự chặt chẽ.
- Các cấp chính quyền ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm được qui định của mình:
Theo qui định tại khoản 3 điều 6 Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ quy định UBND cấp xã, huyện:
• Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản;
• Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục về đất, hạ tầng và các vấn đề khác của các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương;
• Tuyên truyên, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật về khoáng sản; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhưng thực tế một số địa phương trong thời gian qua chưa làm hết trách nhiệm của mình đã để xảy ra tình trạng hoạt động khoáng sản vi phạm pháp luật.
Vừa qua UBND Tỉnh đã có nhiều văn bản nhắc nhở, phê bình một số địa phương như: Chủ tịch UBND xã Tân An (Vĩnh Cửu), xã Long Tân (Nhơn Trạch)… vì đã để tình trạng khai thác đất không phép diển ra trên địa bàn; trong đó xã Tân An có nhiều văn bản nhắc nhở.
Giải pháp:
Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gốc; khác với các loại khác, khoáng sản là do thiên nhiên tạo nên hàng nhiều triệu năm và không thể tái tạo được. Việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhu cầu cần nguồn tài nguyên khoáng sản rất lớn (xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình… đều phải có vật liệu), nếu chúng ta không quy hoạch khai thác khoáng sản thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thực hiện được. Mặt khác, TP.Biên Hòa đến năm 2010 sẽ đóng cửa tất cả các mỏ để phục vụ phát triển đô thị, thì việc quy hoạch khoanh định các khu vực dự trữ để đảm bảo nguồn khoáng sản cho những năm 2011 trở đi là hết sức cần thiết.
Vấn đề cần quan tâm là giải pháp nào để đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng pháp luật, phục vụ cho phát triển lâu dài và bền vững theo ý kiến lo lắng của một số đại biểu; tôi xin trình bày một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản năm 1998:
Như trên đã trình bày, quy hoạch năm 1998 không còn phù hợp; Mặt khác, trước đây việc cấp phép, chưa qui định chặt chẽ (Nghị định 76/NĐ-CP năm 2000 không qui định cấp phép hoạt động khoáng sản phải theo quy hoạch); hiện nay các hoạt động khoáng sản phải được cấp phép, mà cấp phép phải theo quy hoạch (theo điều 44 Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ). Do đó, hiện nay rất nhiều hoạt động khoáng sản đang chờ quy hoạch thông qua, để làm cơ sở thực hiện được công tác quản lý.
Trong quy hoạch sẽ đánh giá đúng tiềm năng theo tài liệu điều tra mới nhất của ngành địa chất khoáng sản, xác định các khu vực cấm & tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quy hoạch khai thác và xác định những khu vực dự trử cho tương lai...
2. Đối với công tác quản lý nhà nước:
Một là: Triển khai thực hiện quy hoạch:
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố công khai quy hoạch và phối hợp với UBND các huyện, xã xác định cụ thể vị trí các khu vực quy hoạch ngoài thực địa.
Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động khoáng sản, trình UBND tỉnh duyệt để thực hiện.
Việc cấp giấy phép cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương khảo sát, xác định vị trí ngoài thực địa đảm bảo phù hợp với quy hoạch khoáng sản, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Hai là: Tăng cường công tác quản lý:
Trước hết UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của nhà nước về quản lý hoạt động khoáng sản như: trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh… để làm cơ sở thực hiện công tác quản lý.
Giúp UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các khu vực cấm & tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Tăng cường quản lý công tác đo đạc bản đồ hiện trạng mỏ định kỳ, quản lý chặt chẻ hoạt động khai thác khoáng sản và sản lượng khai thác qua kết quả đo vẽ bản đồ hiện trạng mỏ.
UBND các huyện, xã thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước theo qui định tại khoản 3 điều 6 Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ.
Về môi trường phải tăng cường chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (thành viên hội đồng là Chủ tịch UBND huyện phải đưa ra được các vấn đề ảnh hưởng môi trường khi thực hiện khai thác khoáng sản ở địa phương, để có biện pháp xử lý chính xác…); Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính thực hiện tốt việc ký quỹ phục hồi môi trường (đây là điều kiện để giải quyết môi trường sau khai thác).
Ba là: Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch về tài nguyên khoáng sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm quy hoạch theo quy định của pháp luật.
UBND cấp xã có trách nhiệm chính trong việc theo dõi việc thực hiện quy hoạch về tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm quy hoạch đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính về việc không ngăn chặn, không xử lý kịp thời để xảy ra trường hợp khai thác không phép, khai thác trái phép và trường hợp vi phạm quy hoạch khoáng sản tại địa phương.
Phải nói trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mạnh giải pháp này: 30/6/2006 kiểm tra đề nghị phạt vi phạm hành chính và tạm thời đình chỉ hoạt động 2 mỏ đá Thiện Tân; từ ngày 12-13/7/2006 năm mỏ đá đang hoạt động ở TP.Biên Hòa và Hang Nai - Nhơn Trạch đã kiểm tra xử lý đình chỉ hoạt động vượt độ sâu và ngoài giấy phép; ngày 14/7/2006 kiểm tra đình chỉ hoạt động khai thác Cát của Cty TNHH Đồng Trường ở thượng nguồn sông Đồng Nai…). Sắp tới sẽ làm nghiêm hơn chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản.
Bốn là: Phối hợp quản lý và thực hiện quy hoạch:
Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản tại các khu vực này (hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đã ký thông báo liên tịch với các tỉnh giáp ranh TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương).
Phân công rõ chức năng, nhiệm vụ và tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Nếu thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu nêu trên sẽ đưa được hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, đúng pháp luật, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. Những vấn đề cụ thể về ý kiến của đại biểu trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.
1. Huyện Vĩnh Cửu:
a) Về ý kiến quy hoạch gọn lại, trên địa bàn nhiều quá, giải trình như sau: quy hoạch khoáng sản không giống các loại quy hoạch ngành khác; có khoáng sản thì mới quy hoạch khoáng sản. Để khoanh định được các khu vực đưa vào quy hoạch phải có các tài liệu điều tra địa chất xác định tiềm năng khoáng sản ở trong lòng đất.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tiềm năng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng khá phong phú và đa dạng, đây được xem là một trong những huyện giàu tài nguyên của tỉnh Đồng Nai. Cho đến nay đã xác định được diện tích các khu vực có tiềm năng khoáng sản của huyện là 5.654ha bao gồm:
- Đá xây dựng: 06 khu vực, diện tích 1.983ha;
- Sét gạch ngói: 06 khu vực, diện tích 2.765ha;
- Vật liệu san lấp: 04 khu vực, diện tích 589ha;
- Puzlan: 01 khu vực, diện tích 222ha;
- Laterit: 01 khu vực, diện tích 95ha;
Trên cơ sở tiềm năng đã xác định, căn cứ các quy định của Luật Khoáng sản, điều chỉnh quy hoạch lần này đã khoanh định 1.911ha đưa vào quy hoạch các khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Trong diện tích 3.743ha có tiềm năng còn lại, chỉ có 691ha được đưa vào quy hoạch hoạt động khoáng sản từ nay đến năm 2010 (trong đó: khai thác công nghiệp 353 ha, thăm dò và khai thác công nghiệp 249 ha, khai thác qui mô nhỏ 89 ha), phần diện tích còn lại được quy hoạch định hướng cho giai đoạn 2011-2020 (178ha) và quy hoạch dự trữ cho tương lai xa hơn (2.869ha).
Riêng khu vực xã Thạnh Phú chỉ quy hoạch khai thác sét gạch ngói trên diện tích 57ha theo giấy phép đã được cấp và khu giáp ranh với xã Bình Lợi quy hoạch khai thác quy mô nhỏ trên diện tích 36ha tại các khu vực trước đây đã khảo sát cho khai thác tận thu (còn lại là dự trữ).
b) Đối với mỏ đá Thiện Tân 1 và 2:
Về vấn đề vận chuyển khoáng sản gây hư hỏng tuyến đường 768: Tại cuộc họp ngày 20/6/2006, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Vĩnh Cửu đã thống nhất yêu cầu hai đơn vị khai thác phải triển khai ngay việc xây dựng tuyến đường vận chuyển khoáng sản từ hai mỏ ra đến bến trên sông Đồng Nai song song với Đường tỉnh 768 (2 đơn vị này đang thực hiện).
Cuộc họp này cũng đã yêu cầu hai doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm túc việc phun sương, tạo ẩm trong quá trình khai thác, chế biến đá, giám sát chặt chẽ việc bán đá cho các xe tải (tuyệt đối không bán quá tải trọng xe hoặc bán đá vượt quá thùng xe).
Tiếp đến, ngày 30/6/2006 Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Sở Công nghiệp đã tiến hành kiểm tra và tạm đình chỉ hoạt động tại cả hai mỏ đá Thiện Tân 1 và 2 (do đã có hành vi khai thác vượt độ sâu cho phép, vượt ra ngoài diện tích cấp phép) để chờ UBND Tỉnh xử lý.
2. Huyện Nhơn Trạch:
- Về diện tích bị giảm, trong khi nhu cầu của địa phương lớn: trong 531ha quy hoạch vào khai thác cát xây dựng tại Đồng Mu Rùa có 278ha đã được cấp giấy phép khai thác trước đây (hiện đang tạm ngưng hoạt động, chờ kết quả phê duyệt quy hoạch khu dịch vụ cụm cảng Phước An). Tuy nhiên, ngày 16/6/2006 về rà soát quy hoạch khu vực Đồng Mu Rùa giữa Sở Tài nguyên và môi trường với UBND huyện Nhơn Trạch, đã xác định sơ bộ 218ha vướng vào quy hoạch khu vực cụm cảng Phước An, nên phải giảm diện tích này lại.
- Về mỏ đá Hang Nai:
Cử tri xã Phước An lo ngại việc khai thác xuống sâu tại mỏ đá Hang Nai sẽ làm ảnh hưởng đến các giếng khoan của nhân dân trong vùng. Hiện nay doanh nghiệp đã làm xong phê duyệt thăm dò, đang trình báo cáo đánh giá tác động môi trường; việc này sẽ xem xét, thẩm định trong quá trình xét duyệt Báo cáo. Nếu không có giải pháp xử lý sẽ không thể xúc tiến được các thủ tục cấp phép hoạt động (có thể 2 phương án: một là không ảnh hưởng đến nguồn ngầm của dân; hai là đưa nước máy đến để dân sử dụng...).
Riêng việc thăm dò sâu mỏ đá Hang Nai đến cote-40m đã được các ngành và UBND huyện Nhơn Trạch thống nhất chủ trương. Trước khi quyết định phê duyệt trữ lượng đến cote-40m tại mỏ đá Hang Nai, UBND Tỉnh đã có văn bản số 3325/UBND-CN ngày 25/5/2006 chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND huyện Nhơn Trạch xác định thời gian tại mỏ đá Hang Nai gắn liền với quy hoạch xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch. Sau đó, UBND huyện Nhơn Trạch và Sở Xây dựng đã lần lượt có các văn bản số 117/TTr-UBND ngày 02/6/2006 và số 742/SXD-KTKH ngày 07/6/2006 thống nhất xác định việc khai thác xuống cote-40m và việc ngừng khai thác vào năm 2010 tại mỏ đá Hang Nai để phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch đang trình Chính phủ phê duyệt.
c) Việc quản lý hoạt động khoáng sản trên khu vực giáp ranh giữa huyện Nhơn Trạch và thành phố Hồ Chí Minh: để phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản trái phép trên khu vực này, ngày 26/5/2004 UBND Tỉnh đã ký Thông báo liên tịch số 2748/TBLT-ĐN-HCM với UBND thành phố Hồ Chí Minh về phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 19/5/2006 lực lượng kiểm tra của hai địa phương đã tiến hành kiểm tra, bắt giữ 05 xáng cạp và 03 xà lan cát đang hoạt động khai thác không phép trên sông Đồng Nai tại địa bàn xã Đại Phước và Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch; UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý theo quy định.
Ngoài ra, đối với các tỉnh giáp ranh khác (gồm: Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương), UBND Tỉnh cũng đã tiến hành việc ký kết các thông báo liên tịch để phối hợp quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản vùng giáp ranh.
Trên đây là một số giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường về các ý kiến của quí vị có liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 để quí vị đại biểu xem xét.

Văn phòng Sở