Đồng Nai thực hiện kiểm soát “ đường đi” của chất thải nguy hại, chất thải rắn
23/12/2014

Trong thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì lượng chất thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ngày càng lớn. Các chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn (CTR) nói riêng đã được ban hành và áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, công tác quản lý CTR vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là việc thực hiện kê khai chất thải rắn giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc giám sát vận chuyển chất thải nguy hại của các doanh nghiệp.

 

Hiện nay, chất thải rắn nguy hại được giao cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh thu gom, vận chuyển và xử lý. Thiết bị giám sát hành trình được gắn trên các phương tiện vận chuyển hầu như không còn hoạt động do mất nguồn điện hoặc không được chi trả chi phí truyền dữ liệu tọa độ về doanh nghiệp để quản lý theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa giám sát được “đường đi” của các xe vận chuyển chất thải, dễ xảy ra hiện tượng “thải trộm” chất thải trong quá trình vận chuyển chất thải đi đến nơi xử lý theo quy định. Khối lượng chất thải do chủ nguồn thải chất thải nguy hại và doanh nghiệp thu gom căn cứ trên chứng từ nên dễ xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp kết hợp với nhau để kê khai không đúng số lượng phát sinh chất thải nguy hại thực tế và khối lượng thu gom thực tế.

 

Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã xây dựng hệ thống giám sát hành trình vận chuyển chất thải nguy  hại và quản lý chất thải rắn nhằm quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý hcất thải rắn, góp phần cho công tác quản lý chất thải rắn một cách khoa học, tiến bộ, kịp thời; đặc biệt là cả quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại một cách trực tuyến, tự động và liên tục.

 

Trong quá trình xây dựng hệ thống, một số khó khăn gặp phải như chưa có quy định về kỹ thuật cho việc truyền nhận dữ liệu về hành trình vận chuyển chất thải nguy hại; doanh nghiệp cung cấp thiết bị không cung cấp giao thức để truyền nhận dữ liệu; đây là hệ thống quản lý chất thải nguy hại được xây dựng đầu tiên nên kinh nghiệm xây dựng hệ thống còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp biết đến và tham gia sử dụng hệ thống còn hạn chế; số lượng chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại được giám sát còn thấp (chỉ có 2 doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép).

 

Từ khi hệ thống được đưa vào hoạt động đến nay, đã có 205 chủ nguồn thải tham gia kê khai, báo cáo chất thải rắn phát sinh trên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường với khối lượng chất thải rắn phát sinh hơn 85.000 tấn, trong đó chất thải nguy hại là hơn 23.000 tấn. Hệ thống này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật thường xuyên và chính xác khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh để phục vụ cho công tác quản lý. Công tác thống kê, báo cáo, phê duyệt, lưu trữ hồ sơ về chất thải rắn, chất thải nguy hại được hỗ trợ xây dựng nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiện đại. Hành trình vận chuyển chất thải nguy hại và chứng từ chất thải nguy hại được cập nhật, lưu trữ, phục vụ cho công tác tra cứu, điều tra, xác minh các hành vi “thải trộm” nhanh chóng, giám sát được trực tuyến hành trình vận chuyển chất thải nguy hại.

 

MT