PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ VỚI CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI XI MẠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
23/12/2014

Ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay đang được nhiều địa phương chú trọng phát triển, trong đó có Đồng Nai. Đi kèm theo sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ là nhu cầu về gia công kim loại, cụ thể là nhu cầu mạ kim loại đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh lợi ích kinh tế thì ngành xi mạ cũng gây ra tác động không nhỏ đối với môi trường, đặc biệt là nước thải. Vì vậy, việc xử lý nước thải xi mạ tại tỉnh Đồng Nai là một trong những nội dung quan trọng cần quan tâm xử lý.

 

Thực trạng công nghệ xử lý nước thải xi mạ trên địa bàn tỉnh

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 KCN đã có dự án đi vào hoạt động, trong đó các doanh nghiệp hoạt động về xi mạ chủ yếu tập trung tại các KCN: Biên Hòa 2, Hố Nai, Nhơn Trạch,…với khoảng 33 doanh nghiệp. Nước thải từ các doanh nghiệp này sau khi xử lý cục bộ sẽ được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để tiếp tục xử lý trước khi xả thải ra môi trường.

 

Đây là ngành công nghiệp sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm lớn đến nguồn nước do chứa nhiều kim loại nặng (crom, niken, đồng, kẽm,…), các độc tố (như xianua, sunfat, cromat,…) và khoảng dao động của nồng độ pH rất rộng (thường ở giá trị rất thấp hoặc rất cao); tùy từng loại kim loại nặng mà mức độ ô nhiễm khác nhau, có một số kim loại nặng nồng độ thấp cũng có độc tính cao. Do đó, nếu nước thải xi mạ không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường sẽ gây ra nhiều hệ quả cho môi trường: tiêu diệt các sinh vật phù du, gây bệnh cho cá và biến đổi thành phần, tính chất lý hóa của nguồn tiếp nhận; ngoài ra nước thải còn ảnh hưởng đến đường ống, gây ăn mòn, xậm thực hệ thống cống rãnh, thoái hóa đất, gây hại đến vật nuôi, cây trồng.

 

Qua đánh giá hiện nay, để đạt được giới hạn đấu nối vào các hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN, các doanh nghiệp ngành xi mạ thực hiện xử lý nước thải cục bộ bằng phương pháp hóa lý. Quy trình xử lý nước thải cục bộ tại các doanh nghiệp xi mạ thường gồm các công đoạn chính sau: đầu tiên, nước thải xi mạ được đưa về bể thu gom, sau đó qua bể điều hòa để ổn định lưu lượng, tại đây nước thải được điều chỉnh pH trước khi qua bể phản ứng keo tụ, tạo bông bằng các loại phèn sắt và phèn nhôm (tùy thuộc vào kim loại trong nước thải) → tiếp đến, nước thải sẽ được lắng cặn tại bể lắng 1 và bể lắng 2 → nước thải sẽ được chuyển qua bể lọc áp lực để tiếp tục xử lý các kim loại nặng chưa được tạo bông tại bể keo tụ → nước thải sau khi lọc được đấu nối vào tuyến thoát nước thải của KCN. 

 

Nhìn chung, các doanh nghiệp xi mạ đều có hệ thống xử lý nước thải cục bộ để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường tiếp nhận. Tuy nhiên do chi phí đầu tư, vận hành tốn kém và đòi hỏi nhân công có trình độ chuyên môn cao nên các doanh nghiệp xi mạ thường lựa chọn công nghệ xử lý nước thải tương đối đơn giản nêu trên để xử lý sơ bộ và thường không đảm bảo xử lý triệt để hàm lượng kim loại nặng trong nước thải.

 

Ngoài ra một số doanh nghiệp xi mạ tuy có đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ để xử lý nước thải nhưng chưa chú trọng đầy đủ đến các thông số ô nhiễm có thể phát sinh do đặc tính của nước thải thay đổi vì các đơn đặt hàng của các khách hàng thay đổi (mạ crom, mạ niken, mạ kẽm, mã đồng…); do vậy theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các KCN có doanh nhiệp ngành xi mạ cho thấy thông số kim loại nặng thường xuất hiện và vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý cục bộ nước thải xi mạ còn tạo ra khối lượng bùn từ các bể lắng chứa hàm lượng kim loại nặng cao, hiện nay chi phí xử lý bùn thải chứa kim loại nặng bằng phương pháp hóa rắn và chôn lấp an toàn có mức giá xử lý tối thiểu khoảng 6.400.000 đồng/tấn. Vì vậy, việc thu gom xử lý nước thải ngành xi mạ đã tạo thêm gánh nặng và chi phí cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

 

Giải pháp thực hiện:

 

Công nghệ xi mạ là một công đoạn cần thiết của ngành gia công cơ khí chế tạo, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.Vì vậy tuy có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng không thể cấm ngành công nghiệp xi mạ. Vấn đề chính là bên cạnh giải pháp phòng ngừa như tạm thời không thu hút dự án chuyên gia công xi mạ thì vẫn xem xét thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, hiện đại và dự án thuộc danh mục công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ trong quy trình sản xuất đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với các điều kiện sau:

 

Có quy hoạch cụ thể các KCN được phép tiếp nhận dự án có công đoạn xi mạ, căn cứ trên nhu cầu thu hút đầu tư của các KCN và khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận .

 

Dự án có thực hiện công đoạn xi mạ phải áp dụng công nghệ xi mạ hiện đại, tiên tiến được cơ quan chuyên ngành tổ chức thẩm định; không sử dụng xianua, crom (VI) trong quá trình xi mạ.

 

Khuyến khích các công nghệ xử lý nước thải xi mạ thu hồi và tái sử dụng axit thải, giảm được lượng chất thải lỏng độc hại ra môi trường dẫn đến việc giảm giá thành và giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường.

 

Hy vọng với các biện pháp nêu trên, trong thời gian đến Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai sẽ phát triển mạnh, góp phần giảm nhập siêu, chủ động nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

CCBVMT