Đồng Nai: Hiện đại hóa trong hoạt động về đo đạc và bản đồ
26/02/2015

Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 4432/BTNMT-ĐĐBĐVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công văn số 4974/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Ngành Đo đạc và Bản đồ của cả nước nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng đã để lại những dấu ấn và thành quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

 

Trong những năm qua, hoạt động về đo đạc, bản đồ là một trong những nhiệm vụ chính được tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư về con người và cơ sở vật chất. Qua đó đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực trong việc điều tra, thu thập đầy đủ thông tin dữ liệu không gian, cũng như dữ liệu thuộc tính của từng thửa đất của bộ bản độ địa chính cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu quản lý đất đai của Ngành Tài nguyên và Môi trường.

 

Ngành Đo đạc và Bản đồ của Đồng Nai cũng đã nhanh chóng thay đổi công nghệ đo đạc lập bản đồ địa chính theo phương pháp truyền thống bằng việc sử dụng máy toàn đạc điện tử, các thiết bị xử lý theo công nghệ mới để lập bản đồ địa chính dạng số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin với kỹ thuật đồ họa trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đã tạo nên một bước nhảy vọt trong việc xử lý thông tin thu nhận được từ công tác đo vẽ chi tiết bản đồ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bản đồ địa chính, khắc phục được nhiều hạn chế trước đây của công tác lập bản đồ địa chính theo phương pháp truyền thống.

 


Hoạt động đo vẽ chi tiết ngoài thực địa ở Đồng Nai

 

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành đo vẽ, lập bản địa chính đối với 171/171 xã, phường, thị trấn, với khoảng 1,5 triệu thửa đất. Trong đó, từ năm 2009 đến nay, đã hoàn thành đo đạc, xây dựng lưới địa chính, đo mới (một phần), đo chỉnh lý biến động bản đồ địa chính của 58 xã, phường, thị trấn, với 1.392 điểm lưới địa chính, diện tích 159.822ha. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đo đạc của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan đế đất đai, Ngành đã đo vẽ bản đồ trên 20.600 trường hợp. Qua đó đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện Ngành đang đầu tư, nghiên cứu để phát triển hoạt động các lĩnh vực mới như: đo sâu hồi âm, lập bản đồ địa hình lòng sông, hồ; đo quan trắc nghiêng, lún và đo đạc lập bản đồ công trình ngầm… 

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, qua hoạt động, đội ngũ cán bộ, viên chức về quản lý và chuyên môn Ngành Đo đạc và Bản đồ có những bước phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh; trang thiết bị từng bước được hiện đại, luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong hoạt động về đo đạc, bản đồ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của Ngành Tài nguyên và môi trường, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

 

Nguồn: monre.gov.vn