Quản lý môi trường 6 tháng đầu năm 2015: Quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm
31/07/2015

6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được Bộ TN&MT triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ.

 

 

Công tác thanh, kiểm tra môi trường tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận

 

Nhiều điểm nóng vi phạm được xử lý

 

Bộ TN&MT luôn xác định đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm buộc các doanh nghiệp phải thay đổi thái độ trách nhiệm và hành vi đối với công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng. Năm 2015, lực lượng thanh tra môi trường ở Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố triển khai thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt có những đợt trọng điểm và đột xuất khi có vụ việc "nóng", hay phản ánh của người dân.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ TN&MT đã ban hành 467 kết luận thanh tra đối với 467 cơ sở, khu công nghiệp được thanh tra vào quý IV năm 2014; đã lập biên bản và ban hành 162 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền xử phạt khoảng 20,5 tỷ đồng và 18 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.

 

Nhận định tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn, Bộ TN&MT đã chỉ đạo phải tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT trên cả nước. Bên việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên, hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được thực hiện tốt.

 

Trong 6 tháng năm 2015, Bộ TN&MT đã chỉ đạo thanh tra đột xuất đối với 2 cơ sở tái chế thùng phuy gây ô nhiễm môi trường tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 514.500.000 đồng, đồng thời buộc các cơ sở phải khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật và Công ty TNHH Ánh Mai tại mỏ Cóc Chặng, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. 

 

Trước đó, năm 2014 đã kiểm tra đột xuất, phát hiện vi phạm của các công ty sản xuất hóa chất trong khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH Thép Đồng Tiến, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi, Công ty cổ phần dầu thực vật Quang Minh, Công ty Phát triển số 1 -TNHH MTV - Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mị, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long.

 

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các nhóm hành vi: Thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định; xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác.

 

Kiểm soát ô nhiễm đi vào nề nếp

 

Tổng cục Môi trường cho biết, tại Trung ương hiện đang tiếp tục duy trì 7 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông và 5 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm. Tại địa phương, đã có hơn 100 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ quan trắc môi trường, tổ chức triển khai thực hiện hàng trăm chương trình quan trắc môi trường. 

 

Cùng với việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường nước, đất, không khí, trong thời gian qua, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, làng nghề, các đô thị, các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng; qua đó cung cấp các thông tin cần thiết cho công tác giáo dục truyền thông, xây dựng các chương trình, dự án khắc phục ô nhiễm.

 

Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 6 năm 2015, trong tổng số 214 khu công nghiệp đang hoạt động trong cả nước có 166 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 78%), 24 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải (chiếm 11%). Công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ môi trường làng nghề cũng được quan tâm thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 203.

 

Tại các địa phương, đã có 21/63 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 với trọng tâm ưu tiên khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tại 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến tháng 6/2015, Chương trình đã hỗ trợ kinh phí 145 tỷ đồng để triển khai cho 10/47 tiểu dự án làng nghề tại 08 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có 2/10 tiểu dự án cơ bản hoàn thành, 8/10 tiểu dự án đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2015. 

 

Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện và triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

Nguồn: Monre.gov.vn