Hội nghị tập huấn Nghị định 85/2015/NĐ-CP của chính phủ và chương trình công tác nữ công năm 2016
18/03/2016
Sáng ngày 16/03/2016, tại Nhà khách 71, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra buổi tập huấn Nghị định 85/2015/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều của của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ và triển khai chương trình công tác nữ công năm 2016 của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai.

 

Đến dự buổi tập huấn có bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai; Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai và gần 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban nữ công của Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở.

 

Tại buổi tập huấn được nghe ông Vũ Mạnh Hà triển khai các nội dung cơ bản của Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Nghị định gồm 03 chương, 14 điều, một số nội dung chính:

 

1. Làm rõ khái niệm về người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ

 

Theo quy định hiện hành, Nhà nước có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ, nhưng chưa làm rõ thế nào người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ.

Tại Nghị định lần này đã đưa ra khái niệm người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ, cụ thể:

- Sử dụng 10 đến 100 lao động nữ, trong đó lao động nữ chiếm 50% trở lên trên tổng số lao động.

- Sử dụng 100 đến 1.000 lao động nữ, trong đó lao động nữ chiếm 30% trở lên trên tổng số lao động.

- Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

 

2. Đại diện của lao động nữ

 

Điều 4 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định đại diện của lao động nữ trong các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người sử dụng lao động tại Bộ luật Lao động 2012 cụ thể là:

- Trường hợp đã thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cơ sở.

- Trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được tập thể lao động nữ có yêu cầu. Trường hợp không có yêu cầu thì người sử dụng lao động lấy ý kiến của trên 50% lao động nữ tại doanh nghiệp.

 

3. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

 

Lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành khi khám sức khỏe định kỳ.

Lao động nữ với thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút và tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong giờ làm việc để cho con bú; vắt, trữ sữa và nghỉ ngơi.

Thời gian mà lao động nữ được nghỉ theo quy định trên vẫn được hưởng đủ tiền theo hợp đồng lao động.

 

4. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động

 

Trường hợp có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi, lao động nữ mang thai được quyền:

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Thời hạn báo trước: theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

+ Thông báo nộp kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

+ Thời hạn báo trước: theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

+ Thông báo nộp kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Thời gian tạm hoãn tối thiểu bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Nếu không có sự chỉ định trên, thời gian tạm hoãn sẽ do hai bên tự thỏa thuận.

 

5. Hiệu lực thi hành

 

Nghị định 85/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2015.

Nghị định này thay thế cho Nghị định 23/CP năm 1996 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012về những quy định riêng đối với lao động nữ.

Phần thảo luận ông Vũ Mạnh Hà đã giải đáp nhiều tình huống thực tế  đang gặp phải tại các cơ quan, đơn vị, trong đó liên quan nhiều đến quyền lợi của lao động nữ như: các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, việc ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động, đính chính thân nhân trong hồ sơ làm việc, mạng thai hộ, quyền lợi liên quan người mang thai hộ. Giải đáp các tình huống đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham gia Hội nghị.

 

Hà Nhẫn