Hậu Giang: Hiệu quả từ dự án nâng cao ý thức, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc Khmer
19/04/2016
Được sự tài trợ từ Chính phủ Úc, từ giữa năm 2015 tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện thí điểm dự án nâng cao ý thức của cộng đồng người Khmer về bảo vệ môi trường, năng lực thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và đã thu được những kết quả rất tích cực.

 

Đồng bào dân tộc Khmer tham gia lớp tập huấn về bảo vệ môi trường

 

Xã Lương Nghĩa là một trong những vùng khó khăn có đông đồng bào Khmer sinh sống, nơi đây cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn ngày càng tăng cao. Nguồn nước sinh hoạt chính của người dân ở đây là nước từ các kênh, mương nhưng hiện nay nguồn nước này đang bị ô nhiễm do rác thải và xâm nhập mặn, nồng độ mặn có thời điểm vượt xa nồng độ cho phép của nước sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân…

 

Xuất phát từ thực trạng trên, tháng 1/2015 UBND tỉnh Hậu Giang tiếp nhận nguồn tài trợ trên 315 triệu đồng từ Chính phủ Úc, đồng thời giao cho ông Đỗ Văn Vinh, Phó trưởng Phòng Tổng hợp- Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang làm Trưởng nhóm phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang… triển khai thực hiện dự án này. Mục tiêu của dụ án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thích ứng với sự xâm nhập mặn; giúp hỗ người dân có phương tiện và cách thức thu gom nước mưa cho sinh hoạt trong những tháng chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập; nâng cao ý thức của cộng đồng về vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương.

 

Để việc triển khai dự án đạt hiệu quả, Nhóm thực hiện dự án đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức biên soạn in ấn 550 cuốn tài liệu tham khảo về kiến thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cấp phát cho các hộ dân khi triển khai hoạt động tập huấn và trưng bày tại tủ sách UBND xã Lương Nghĩa. Tổ chức tập huấn cho trên 370 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung tập huấn hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải tại gia đình, nước sạch và vệ sinh môi trường, hướng dẫn kỹ thuật thu gom nước mưa và phương pháp loại bỏ nước mưa đầu trận, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và giải pháp ứng phó, bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 

Một hộ dân được dự án hỗ trợ bồn nước 1.000 lít để dự trữ nước mưa

 

Bên cạnh đó, Nhóm thực hiện dự án đã hỗ trợ xây dựng 05 nhà vệ sinh đạt chuẩn cho 5 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thiết kế, lắp đặt 20 hệ thống thu gom nước mưa cho 20 hộ dân Khmer nghèo tại ấp 10, xã Lương Nghĩa giúp các hộ dân trên có thể chứa đủ nước mưa để dự trữ cho mục đích sinh hoạt hàng ngày trong mùa xâm nhập mặn…

 

Ông Danh Hùng, là một trong số 20 hộ dân được hỗ trợ hệ thế chứa nước mưa tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ phấn khởi nói: “Lúc trước chúng tôi phải sử dụng nước sông, mương cho các sinh hoạt hàng ngày, vào nhiều thời điểm nguồn nước ở dưới kênh mương này bị ô nhiễm, nhiễm mặn, nhưng vì không còn nguồn nước nào khác chúng tôi cũng phải múc lên xài… Khi được hỗ trợ hệ thống thu gom nước mưa và bồn chứa 1.000 lít tôi rất phấn khởi vì từ nay trở đi có nước sạch để sử dụng, không phải lo lắng thiếu nước cho việc nấu nướng vào mùa xâm nhập mặn…”.

 

Ngoài ra, trong khuôn khổ của dự án còn tổ chức được các Hội thi với chủ đề bảo vệ môi trường đã tạo được sân chơi lành mạnh, gợi mở cho các em học sinh về những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…đồng thời giúp các em chuẩn bị một bước cho hành trang tương lai.

 

Sau gần 1 năm triển khai dự án đã diễn ra đúng tiến độ, các hoạt động mà dự án thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực khi vừa hỗ trợ được kiến thức, vật chất và kỹ thuật cho đối tượng được thụ hưởng. Từ kết quả mang lại từ dự án nâng cao ý thức của cộng đồng người Khmer về bảo vệ môi trường, năng lực thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu được thực hiện tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ.

 

 “Trong thời gian tới tôi mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang quan tâm, tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình này ra các địa phương, ưu tiên cho những huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đối khí hậu, xâm nhập mặn…và đối tượng được thụ hưởng không chỉ là đồng bào dân tộc Khmer…”- ông Đỗ Văn Dinh, Phó trưởng Phòng Tổng hợp- Văn Phòng Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị.

 

Nguồn: Monre.gov.vn