Công nghệ hỗ trợ phòng chống thiên tai
06/06/2016
Ứng dụng các công nghệ kỹ thuật, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Có thể thấy rõ hiệu quả ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc.

 

Các quan trắc viên Đài KTTV Tây Bắc đo đạc thủy văn trên Sông Đà tại trạm Tạ Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La)

 

Hiệu quả từ hệ thống cảnh báo lũ Nậm La – Nậm Pàn

 

Một trong những điều đáng tự hào trong công tác cảnh báo mưa lũ tại Đài KTTV khu vực Tây Bắc chính là hệ thống tự động đo truyền số liệu cảnh báo lũ lưu vực Nậm La – Nậm Pàn. Đây cũng là đứa con đầu lòng của hệ thống đo mưa và khí tượng thủy văn tự động cả nước.

 

Ông Vũ Thanh Long, Phó Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc cho biết: Đặc điểm của hệ thống là tần suất tự động đo đạc và truyền số liệu từ trạm về Đài KTTV khu vực Tây Bắc nhanh, với độ chính xác cao, đã góp phần quan trọng trong việc dự báo, cảnh báo lũ lưu vực Nậm La – Nậm Pàn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong các đợt mưa lũ tại tỉnh Sơn La những năm qua.

 

Thay vì phải mất 30 phút đến 1 tiếng cho việc nhận số liệu để đưa ra một bản tin cảnh báo thì với hệ thống này, thông tin số liệu từ 11 trạm đo dọc hệ thống sẽ liên tục được chuyển về Đài 10 phút một lần. Khi đó, các dự báo viên tại Đài sẽ theo dõi được tình hình mưa trên lưu vực, kịp thời ra các bản tin cảnh báo lũ và chuyển các bản tin đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La.

 

Tuy nhiên, do hệ thống được đưa vào sử dụng từ năm 2001, áp dụng công nghệ được sản xuất từ năm 1997 nên một số thiết bị đã bị suy hao công suất, nhiều thiết bị, vật tư của hệ thống đã không còn sản xuất nữa, gây khó khăn cho công tác duy tu, bảo dưỡng và thay thế thiết bị.

 

Để hệ thống tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ ngày một tốt hơn cho công tác phòng chống thiên tai tại địa phương, Đài KTTV khu vực Tây Bắc mong muốn được đầu tư nâng cấp hệ thống, đặc biệt là nâng cấp phương thức truyền số liệu bằng sóng điện thoại di động thay cho hệ thống sóng ngắn như đang sử dụng hiện nay.

 

Quan trắc các yếu tố khí tượng tại Trạm Khí tượng Sơn La (TP Sơn La).

 

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật

 

Ngoài hệ thống trên, công tác dự báo, cảnh báo lũ toàn khu vực Tây Bắc thời gian gần đây còn được áp dụng một số công nghệ mới. “Nếu như trước đây, việc dự báo chủ yếu theo phương thức thủ công, và dựa trên kinh nghiệm của các dự báo viên là chính. Thì nay, với việc được chuyển giao và áp dụng một số công nghệ, mô hình mới, có thể nói, chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ toàn khu vực Tây Bắc đã được nâng lên đáng kể.” – ông Vũ Thanh Long chia sẻ.

 

Cụ thể, công nghệ viễn thám được áp dụng tại Đài KTTV Tây Bắc từ tháng 4/2015, bước đầu cho kết quả tốt. Ông Phan Văn Cường, Phó phòng dự báo cho biết: “Mới đây, đợt mưa giông, gió lốc kéo dài từ ngày 18-20/4, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết, chúng tôi đã đưa ra cảnh báo trong 1-2 giờ tiếp theo trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình sẽ có mưa giông, đề phòng tố lốc, gió giật mạnh. Đây là cơ sở quan trọng để Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trong khu vực chủ động phòng chống thiên tai.”

 

Một công nghệ khác đang được áp dụng tại Đài là việc đo lưu lượng nước, độ sâu, mặt cắt ngang sông bằng thiết bị đo tự động siêu âm ADCP và ADP tại 2 trạm thủy văn Tạ Bú (Mường La, Sơn La) và Mường Lay (Điện Biên); dự kiến sẽ triển khai áp dụng thêm tại 3 trạm nữa. Đây là một phương tiện đo hiện đại phù hợp với sự phát triển và hiện đại hoá của ngành KTTV, mang lại hiệu quả cao trong công tác đo đạc lưu lượng nước tại các trạm thuỷ văn đã bị ảnh hưởng của các hồ chứa khi phương tiện đo truyền thống không sử dụng được. Đồng thời, tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo an toàn cho các quan trắc viên.

 

Bên cạnh đó, Đài KTTV Tây Bắc đã xây dựng trang Website để các trạm khí tượng, thuỷ văn cơ bản chuyển số liệu hàng ngày về đài. Cách làm này thay thế phương thức chuyển số liệu truyền thống bằng điện thoại, nhằm tiết kiệm được thời gian chuyển nhận điện, tiện dụng trong công tác khai thác số liệu và dự báo phục vụ hàng ngày.

 

Đồng thời, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường cùng với Đài KTTV Tây Bắc đang triển khai hệ thống tích hợp dữ liệu, đưa toàn bộ số liệu dự báo, cảnh báo vào chung một hệ thống nhằm đồng bộ dữ liệu, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động và dễ dàng khai thác thông tin.

 

Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong công tác dự báo, cảnh báo tại Đài KTTV Tây Bắc là mật độ các trạm khí tượng, thủy văn, đo mưa còn có quá thưa, bình quân 327km2/trạm, có một số vùng với diện tích trên 1.300km2 mới có 1 điểm đo mưa. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc theo dõi tình hình mưa lớn, lũ xảy ra tại các địa phương vì không có thông tin.

 

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, Đài KTTV khu vực Tây Bắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, tăng thêm số trạm quan trắc ở những nơi đông dân cư, nơi thường xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

 

 

Nguồn: Monre.gov.vn