Miền khô mặn: Loay hoay tự chế máy lọc nước
06/06/2016
Thời tiết khô hạn, mạch nước ngầm suy giảm mạnh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. “Cái khó ló cái khôn” nhiều sáng kiến lọc nước mặn thành nước ngọt đã được thực hiên, trong đó đáng quý là có cả những sáng kiến của nông dân – đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi hạn mặn.

 

Máy lọc nước bị nhiễm mặn thành nước ngọt tại gia đình anh Phạm Kim Quang

 

Suy kiệt nguồn nước

 

Thời gian qua, hạn hán và xâm nhập mặn khiến tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở vùng ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

 

Nước mặn xâm nhập vào các vùng sản xuất cây giống gây thiệt hại từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng đối với nhiều hộ dân làm nghề cây giống ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Nhiều hộ dân khoan giếng lấy nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, nước ngầm tại các giếng khoan phần lớn không sử dụng được vì vừa bị nhiễm mặn, vừa bị nhiễm phèn.

 

Tại Tây Nguyên, nhiều tháng nay, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nước bị cắt luân phiên, người dân phải loay hoay tìm đủ mọi cách để có nước. Tại đây, trong cao điểm khô hạn, cứ 1 ngày có nước thì 1 ngày nước bị cắt. Trong khi đó, mỗi khi nước được cấp trở lại, chỉ những hộ ở dưới thấp mới có nhưng dòng chảy cũng khá yếu, vì thế, nhiều hộ đã sử dụng thêm bơm cộng lực hút nước lên các bể chứa lớn, tích trữ nước nhiều hơn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

 

Không chỉ người dân loay hoay tìm nguồn nước sinh hoạt, ngay cả đối với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cũng nỗ lực tìm mọi biện pháp để có nguồn nước cung ứng cho khách hàng. Hệ thống các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thuộc Công ty quản lý được đầu tư xây dựng từ năm 2001 với 3 trạm bơm và 25 giếng khoan, công suất khai thác 49.000 m3 nước/ngày đêm. Theo thiết kế Công ty chủ yếu khai thác các mạch ngầm từ giếng khoan, trong khi lượng nước này hằng năm đều không ổn định, nhất là vào mùa khô thường sụt giảm nghiêm trọng.

 

Sáng kiến của nhà phát minh “chân đất”

 

Trước tình hình mặn xâm nhập đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất cây giống tại địa phương và đe dọa ảnh hưởng về lâu dài, anh Phạm Kim Quang – nông dân ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đã quyết định đầu tư lắp đặt máy lọc nước mặn thành nước ngọt để phục vụ sản xuất cây giống.

 

Thiết bị lọc nước do anh Phạm Kim Quang tự đầu tư lắp đặt khá đơn giản nhưng có khả năng lọc được khoảng 400 lít nước/giờ. Máy vận hành bằng một động cơ điện 2 mã lực nên cũng không tốn quá nhiều điện.

 

Nếu cho máy vận hành liên tục trong khoảng 10-12 giờ, máy có thể sản xuất được 4-5m3 nước ngọt, không chỉ đảm bảo nước phục vụ cho gia đình mà còn dùng để tưới cho hàng ngàn bịch cây giống.

 

Qua 2 tháng lắp đặt đưa vào sử dụng, sử dụng thiết bị đo độ mặn để kiểm tra cho thấy, nước bị nhiễm mặn lên đến 22-23‰ nhưng sau khi đưa qua máy lọc do anh Quang sáng chế cho thấy, nước mặn trở thành nước ngọt bình thường.

 

Điều đáng chú ý là giá thành của thiết bị lọc nước mặn do anh Quang tự đầu tư lắp đặt chỉ ở mức khoảng 30 triệu đồng, phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ dân sản xuất cây giống.

 

Nguồn: Monre.gov.vn