Nền tảng khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu
06/06/2016
Sau 5 năm triển khai (2011-2015), Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã hoàn tất. 48 đề tài hoàn thành đã thu thập được hệ thống số liệu, cơ sở khoa học, hệ phương pháp nghiên cứu góp phân đánh giá, dự báo, đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

* Thiết lập cơ sở khoa học

 

Trong số 48 đề tài của chương trình có 11 đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu; bản chất khoa học của biến đổi khí hậu… Đây là những nghiên cứu nền tảng, tạo nền móng cho những nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai. Điều đáng nói là các nghiên cứu này đều có thử nghiệm thực tế, sử dụng các công nghệ tính toán hiện đại, thậm chí dùng nhiều phương pháp để cho kết quả tối ưu.

 

Có thể kể đến đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và thực tiến nhằm thiết lập hệ thống giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa” do TS. Tăng Thế Cường (Trung tâm Quan trắc môi trường) làm chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đã vận hành Chương trình quan trắc thủ công và kết quả thiết kế, triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ nghiên cứu và thử nghiệm, đề tài đã thiết lập được mô hình tổng kết hệ thống giám sát tác động của BĐKH và NBD đối với chất lượng nước mặt lục địa.

 

Cũng để phục vụ giám sát khí hậu,  TS. Bùi Văn Đức (Trung tâm Ứng dụng công nghệ và bồi dưỡng nghiệp vụ KTTV) giải quyết vấn đề xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hải văn; hai nhà khoa học Nguyễn Hữu Chính, Bùi Tá Long (Cục Công nghệ thông tin) nghiên cứu việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH; TS. Nguyễn Minh Khuyến (Trung tâm công nghệ tài nguyên nước) lại nghiên cứu thiết lập hệ thống quan trắc – giám sát BĐKH đến nguồn nước mặt nước ngầm và thử nghiệm trên sông Mã; TS. Nguyễn Xuân Lâm (Cục Viễn thám quốc gia) nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám…

 

Đi về vấn đề cụ thể, PGS. TS. Ngô Lê Long (Viện Thủy văn môi trường và Biến đổi khí hậu – Đại học Thủy lợi) nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn thiết kế lũ, đê biển; nhóm của TS. Mai Văn Khiêm (Viện khoa học KTTV và BĐKH) đã thành lập tập bản đồ kịch bản BĐKH (180 bản đồ, Tập Atlas khí hậu và BĐKH (95 bản đồ); TS. Nguyễn Văn Hiệp (Viện khoa học KTTV và BĐKH) thì nghiên cứu luận cứ khoa học cập nhật kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam.

 

* Đánh giá tác động

 

25/48 đề tài (chiếm 52%) tập trung vào việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các vùng, các nguồn tài nguyên. Nội dung này được xem là có tính thực tiễn cao bởi kết quả từ các nghiên cứu có thể phục vụ ngay việc hoạch định chính sách, lồng ghép các vấn đề BĐKH vào cuộc sống.

 

Các lĩnh vực nghiên cứu khá rộng, từ y học đến tài nguyên đất - nước, từ nông nghiệp đến đa dạng sinh học, từ liên kết vùng đến đánh giá mức độ tổn thương… Đặc biệt, qua nghiên cứu, nhóm đề tài này đã có 13 phát hện mới, gồm 2 phát hiện về viurs, ký sinh trùng, 5 phát hiện về địa chất và 6 cơ chế về chính sách liên kết vùng.

 

Một số đề tài có khả năng ứng dụng cao. Có thể kể đến sau khi nghiên cứu, TS. Lại Tiến Dũng (Viện Bảo vệ thực vật) đã tìm dược 9 dòng lúa chịu hạn, thích ứng với BĐKH ưu tú và đề xuất đưa 2 giống lúa LC93-2, LCH48(A17) vào sản xuất thử nghiệm.

 

Từ nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến các bệnh truyền nhiễm, nhóm tác giả PGS. TS. Vũ Xuân Nghĩa (Học viện Quân y) đã có những phát hiện mới về virus gây bệnh sốt xuất huyết và phát hiện loài ký sinh trùng sốt rét mới.

 

Ngay từ khi tiến hành nghiên cứu, đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam) của nhóm tác giá TS. Nguyễn Song Tùng (Viện Địa lý nhân văn) đã rất thu hút dư luận. Vấn đề mới, có khá nhiều bất cập nên khi giải quyết ngọn ngành, các tác giả đã đưa ra 6 phát hiện mới cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách liên vùng. Đó là vấn đề phối hợp liên ngành, liên địa phương, lồng ghép BĐKH vào quy hoạch, khuyến khích các địa phương tự liên kết, tìm “nhạc trưởng” trong liên kết vùng…

 

Giải pháp từ chính sách để thực tiễn

 

Khẳng định biến đổi khí hậu phần lớn do con người gây nên và nhanh chóng tìm cách ứng phó, các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc tìm các giải pháp ứng phó. Thích ứng và giảm thiểu đều cần thiết để ứng phó về lâu dài.

 

Về thích ứng, nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học đề xuất xây dựng mô hình làng sinh thái theo chu trình khép kính (TS. Nguyễn Đức Toàn – Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường), tìm giống lúa chịu hạn, công nghệ neo trong đất để gia cố đê biển sử dụng làm nền đường ô tô (TS. Đỗ Ngọc Viện – Đại học công nghệ giao thông vận tải), ổn định và liên kết các giồng cát ven biển tạo thành đê biển tự nhiên (ThS. Lê Ngọc Cương – Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình)…

 

Về giảm thiểu tác động, rất nhiều giải pháp từ vi mô đến vĩ mô liên quan đến giảm khí nhà kính. Có thể kể đến nghiên cứu định hướng và các phương án giảm phát thải khí nhà kính (TS. Nguyễn Văn Tài – Viện Chiến lược và Chính sách TN&MT), phương án đàm phát khung của Việt Nam về BĐKH (ThS. Trần Thị Minh Hà – Viện Khoa học KTTV và BĐKH), cơ chế chính sách đổi mới công nghệ để giảm thiểu khí nhà kính (TS. Đỗ Hữu Hào, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam).

 

Cụ thể hơn là nghiên cứu công nghệ cất giữ CO2 trong các hệ tầng, cấu trúc địa chất ở miền Bắc (TS. Hồ Hữu Hiếu – Viện khoa học công nghệ địa chất và khoáng sản); giảm thải CO trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói, gốm sứ (TS. Nguyễn Duy Động, Viện khoa học và kỹ thuật môi trường); nâng cao đặc tính trở nhiệt cho vỏ kết cấu của các tòa nhà đô thị (ThS. Nguyễn Sơn Lâm, Viện khoa học công nghệ xây dựng); sử dụng hợp lý đất phen đồng bằng sông Cửu Long (PG.TS. Ngô Ngọc Hưng, Đại học Cần Thơ)…

 

Đào tạo nhân lực

 

Bên cạnh các kết quả nghiên cứu, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH còn có thành tựu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực còn khá thiếu này.

 

Thông qua kết quả nghiên cứu của 48 đề tài đã và đang hỗ trợ đào tạo 38 tiến sĩ, 95 thạc sĩ, nhiều kỹ sư/ cử nhân trong các chuyên ngành liên quan đến BĐKH. Qua đây cũng huy động trên 1.000 lượt cán bộ khoa học đến từ gần 100 tổ chức khoa học và công nghệ trong nước tham gia nghiên cứu. Nhiều cán bộ được cử đi trao đổi hợp tác nghiên cứu ở nước ngoài.

 

Đã có 186 bài báo được công bố trong nước và 25 bài báo được công bố trên báo chí quốc tế. Thông qua nghiên cứu, chương trình đã góp phần tích cực vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mạng lưới khoa học của các đơn vị nghiên cứu trên cả nước.

 

 

Nguồn: Monre.gov.vn