Phòng chống hạn mặn - cách làm sáng tạo ở Hậu Giang
06/06/2016
Mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn, nhưng với cách làm chủ động, sáng tạo… Hậu Giang được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận là địa phương hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng kiểm tra độ mặn trên hệ thống kênh rạch tại Hậu Giang.

 

Giữa năm 2015, đợt xâm nhập mặn bất thường tấn công TP Vị Thanh và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nghiêm trọng hơn, đến giữa năm nay, Hậu Giang có 4 địa phương phải công bố thiên tai xâm nhập mặn là thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: Nếu như mỗi năm, xâm nhập mặn chỉ đến từ biển Tây, thì năm nay, Hậu Giang đã nằm trong thế “gọng kiềm” khi có thêm mặn đổ về từ biển Đông. Độ mặn cao nhất lên đến 10-12 ‰ tại các cửa sông, nội đồng là 3‰, chỉ mới tháng 1 đã có gần 400 ha lúa đông xuân bị thiệt hại. Nếu trước đó, tỉnh không chủ động xây dựng hệ thống đê bao cho vùng cây ăn trái, mía nguyên liệu, vùng trồng lúa… thì hậu quả còn nặng nề hơn với một nửa diện tích nông nghiệp bị mất trắng.

 

Ứng phó với thiên tai khắc nghiệt, tỉnh Hậu Giang đã sáng tạo trên mọi địa hình, huy động tổng lực tham gia chống hạn. Trong đó, ưu tiên số 1 là nước sinh hoạt cho người dân.

 

Theo đó, tỉnh này đã chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương tiến hành khoan mới 11 giếng nước ngầm ở tất cả những khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để nước cung cấp cho người dân sử dụng. Các giếng này có tổng công suất 11.500m3 nước/ngày đêm, tổng kinh phí hơn 16 tỉ đồng, bằng nguồn ngân sách tỉnh.

 

Sáng tạo của tỉnh Hậu Giang là đã chia tỉnh thành 3 vùng ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn để chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với các địa phương. Cụ thể, vùng một gồm huyện Châu Thành, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy: Đây là vùng tận dụng hệ thống cống có sẵn và tiến hành đóng, mở theo triều cường để ngăn mặn không vào nội đồng, có thể bổ sung đập thời vụ và nạo vét kênh mương nội đồng trữ nước.

 

Vùng thứ hai gồm huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ: Đây là vùng trũng không tiêu thoát được mặn nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm trong việc đắp đập thời vụ và các đập lớn để ngăn mặn từ xa.

 

Và vùng thứ ba gồm huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh: Dựa vào tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, đồng thời bổ sung thêm đập thời vụ những nơi cần thiết, nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước ngọt.

 

Cùng với đó, đoán định trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai cẩn trọng công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn; đồng thời thường xuyên cập nhật số liệu mặn để tham mưu công tác ứng phó kịp thời và hiệu quả.

 

Với những giải pháp chủ động, quyết liệt ứng phó, Hậu Giang đã hạn chế đến mức thấp thất thiệt hại do thiên tai, tránh được những thiệt hại lớn về sản xuất cho người dân. Bảo vệ dược trên 79.000ha lúa Đông xuân của bà con nông dân trong toàn tỉnh, với năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 7,42 tấn/ha… Những cố gắng và kinh nghiệm phòng chống hạn mặn của Hậu Giang được các địa phương trong vùng đánh giá cao, được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh gần đây.

 

Nguồn: Monre.gov.vn