Phát triển toàn diện và bền vững kinh tế biển
06/06/2016
Trong “Thế kỷ của biển và đại dương”, Bình Thuận đang hướng mạnh về biển để khai thác tiềm lực kinh tế của mình. Hiện nay, kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã có bước chuyển biến đáng kể.

 

 

Tiềm năng lớn, hiệu quả cao

 

Trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII đã khẳng định: “khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch, năng lượng, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Như vậy, phát triển mạnh kinh tế biển là một trong ba ngành kinh tế động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

 

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải, ngư trường rộng 52.000 km2, và vùng biển Bình Thuận tiếp giáp liên thông với các ngư trường lớn của cả nước như ngư trường Đông Nam Bộ; khu vực Trường Sa - Nhà giàn DK1; vùng giữa biển Đông. Đây là điều kiện để Bình Thuận để phát triển ngành kinh tế thủy sản, vận tải khu vực ven biển.

 

Bên cạnh đó, Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch - thể thao biển nhờ vào dải bờ biển dài; có nhiều nơi thích hợp cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái biển, bảo tồn sinh thái biển như Cù Lao Câu và tổ chức các loại hình thể thao dưới nước như: lướt ván diều, khinh khí cầu, đua mô tô nước…Huyện đảo Phú Quý với những điểm nổi bật là vịnh Triều Dương, bãi nhỏ Gành Hang...là nơi được quy hoạch thành khu du lịch cộng đồng, du lịch - thể thao, biển đảo.

 

Với những tiềm năng lớn đó, trong 5 năm qua (giai đoạn 2010-2015), kinh tế biển tỉnh Bình Thuận được phát huy ngày càng toàn diện cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, đi đôi với coi trọng phát triển công nghiệp nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển. Đến nay, Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất cả nước với tên gọi “Thủ đô resort của Việt Nam”. Bình Thuận hiện còn là một trong 3 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất của cả nước.

 

Hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững

 

Để kinh tế biển ngày càng khởi sắc ở tương lai, tỉnh Bình Thuận đã xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu: Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững kinh tế biển, gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh đã đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế biển cao gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020; trong đó ngành thủy sản tăng bình quân 10%/năm, công nghiệp chế biến thủy sản tăng 75%/năm, du lịch 19,3%/năm và đến năm 2020 sản lượng nước mắm đạt 42 triệu lít, xuất khẩu thủy sản đạt 170 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết cần phải khắc phục cho được tình trạng chồng lấn các quy hoạch, trên cơ sở rà soát và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, thời gian tới Bình Thuận sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế biển cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng và của cả nước. Chú ý khắc phục tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch, bảo đảm sự phát triển gắn kết hài hòa giữa các ngành. Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch thăm dò, khai thác quặng sa khoáng titan; quy hoạch phát triển công nghiệp điện năng; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch phát triển ngành thủy; quy hoạch các khu dân cư và phát triển các khu đô thị ven biển...

 

Tỉnh còn huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo. Tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Tích cực thu hút đầu tư khai thác phát huy tiềm năng du lịch biển, đảo với nhiều loại hình, sản phẩm như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng…; khai thác thế mạnh thể thao biển, thể thao trên cát, thực hiện tốt Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Phát huy hiệu quả, đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển; hình thành Trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng titan, gắn liền với bảo đảm cảnh quan, môi trường trong và sau khai thác...

 

Ngoài ra, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, Bình Thuận còn tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; chủ động phòng, tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng…

 

Nguồn: Monre.gov.vn