Phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam
01/08/2016
Sở hữu trữ lượng đất hiếm khá dồi dào nhưng Việt Nam vẫn còn đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường phát triển ngành công nghiệp đất hiếm vốn đòi hỏi công nghệ cao, hiện đại.

 

Việt Nam hợp tác với Nhật trong khai thác đất hiếm ở mỏ Đông Pao

 

Vàng của tương lai

 

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.

 

Việt Nam có nguồn quặng đất hiếm tương đối dồi dào với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22 triệu tấn, là một trong số các nước có trữ lượng lớn đất hiếm trên thế giới. Đất hiếm ở Việt Nam tập trung ở Lai Châu (Nậm Xe, Đông Pao), Yên Bái (Yên Phú) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa Vũng Tàu (trong quặng sa khoáng titan).

 

Với trữ lượng khá lớn như vậy song Việt Nam vẫn chưa xây dựng và hình thành công nghiệp đất hiếm. Tại Việt Nam, hiện chỉ có Công ty CP đất hiếm Lai Châu khai thác quặng đất hiếm với qui mô nhỏ, một vài cơ sở sản xuất fero chắp vá, thời vụ không chuyên, có hàng ngàn tấn quặng đất hiếm monazite thu được khi tuyển quặng titan ven biển chất kho chưa được chế biến sử dụng…

 

Theo các chuyên gia, quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ, do vậy nếu khai thác, chế biến đất hiếm không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những hệ lụy về môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực khai thác. Do vậy, để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam, nhiều nhà khoa học cho rằng, bài toán đặt ra không hề đơn giản, nhất là việc đầu tư công nghệ. Tìm được công nghệ hiện đại, phù hợp chính là chìa khóa để giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

 

Hợp tác với Nhật – cơ hội cho Việt Nam

 

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc bởi ông nhận định, công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu, công suất khai thác thấp, không tận dụng được tài nguyên.

 

Hiện thực hóa mối quan hệ giữa hai nước trong việc phát triển công nghiệp đất hiếm, từ năm 2010, chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Tổng Công ty Tổng Công ty Dầu lửa, Khí đốt và Năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) và Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm. Dự án nhằm xây dựng cơ sở nghiên cứu đất hiếm với các thiết bị hiện đại, đồng bộ từ tuyển, thủy luyện, phân chia tinh chế và phân tích kiểm tra tại Việt Nam; lấy mỏ đất hiếm Đông Pao phát triển công nghệ chế biến sâu, sạch quặng đất hiếm; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.

 

Tại hội thảo tổng kết dự án được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, sau 5 năm triển khai dự án (từ 2011 – 2015), lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng cơ sở nghiên cứu với hệ thống trang thiết bị tương đối đồng bộ cho việc chế biến sâu quặng đất hiếm, gồm các thiết bị từ giai đoạn tuyển khoáng, thủy luyện, phân chia tinh chế đất hiếm đến xử lý chất thải và phân tích phục vụ quá trình nghiên cứu với kinh phí khoảng 3 triệu USD.

 

Bên cạnh đó, dự án cũng đã thực hiện thành công các công nghệ như phát triển công nghệ tuyển quặng đất hiếm đạt mức độ thu hồi cao; xây dựng thành công công nghệ phân hủy tính quặng quy mô pilot; xây dựng công nghệ phân chia, thu nhận đất hiếm riêng lẻ đạt độ tinh khiết cao; xây dựng công nghệ xử lý chất thải chứa nhân phóng xạ tự nhiên của quá trình tuyển, thủy luyện và phân chia tinh chế... Thành công của dự án tạo ra bước tiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, chế biến sâu quặng đất hiếm ở Việt Nam, tạo tiền đề mới cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến tài nguyên đất hiếm, phát triển nền công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam.

 

Thông qua dự án, các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã có những bước tiến lớn về công nghệ, được tiếp thu những trang thiết bị, cũng như được học hỏi nhiều kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản. Sau dự án, căn cứ vào kết quả, Viện Công nghệ xạ hiếm sẽ báo cáo chính thức để có thể đưa vào sản xuất công nghiệp đất hiếm và đây là hy vọng để Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy hợp tác.

 

Nguồn: www.monre.gov.vn