Quản lý tài nguyên khoáng sản: Hiệu lực, hiệu quả từ chính sách
01/08/2016
Những văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản đã được ban hành, hành lang pháp lý đã được tạo dựng khá đầy đủ song công tác quản lý nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh tài nguyên khoáng sản vẫn thất thoát, môi trường bị hủy hoại, người dân nhiều nơi vẫn đói nghèo…

Ảnh minh hoạ

 

*Chuyển biến rõ nét

 

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Luật Khoáng sản 2010 được thi hành. Theo đó, hệ thống các quan điểm, chính sách của Đảng, của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã được thể chế hóa trong Luật khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và thực sự đã đi vào thực tiễn. Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các địa phương và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét.

 

Cụ thể, hoạt động quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản của UBND cấp tỉnh được dựa trên hệ thống pháp luật về khoáng sản khá đầy đủ và căn cứ trên cơ sở quy hoạch khoáng sản của cả nước cũng như của địa phương. Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại nhiều địa phương đến nay cơ bản được khắc phục, số lượng giấy phép do địa phương cấp phép hàng năm đã giảm một nửa so với trước năm 2012. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp được nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản tại nhiều đia phương đã đạt được hiệu quả nhất định.

 

Cùng với đó, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp dần đi vào nền nếp. Công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu, đã hình thành nên các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã quan tâm tập trung đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị để nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

 

Đặc biệt, quy định mới của Luật khoáng sản về trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, góp phần thu ngân sách hàng năm hàng ngàn tỷ đồng.

 

*Sẽ trao Giải thưởng khoáng sản cho doanh nghiệp

 

Để nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản, theo ông Lại Hồng Thanh, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ Trung ương đến các địa phương, cả về phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

 

Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một cách rộng rãi bằng nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, nhất là chính quyền cấp xã và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc cấp phép khai thác khoáng sản tuân thủ quy hoạch khoáng sản, gắn với các cơ sở chế biến sâu khoáng sản; tạo cơ chế lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến, thu hồi tối đa, sử dụng hiệu quả khoáng sản trong khai thác, chế biến khoáng sản.

 

Tổng cục cũng nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; thực hiện nhiều giải pháp giám sát hiệu quả hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế kiểm soát hiệu quả sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của doanh nghiệp, góp phần chống thất thu ngân sách. Kiên quyết đề xuất thu hồi Giấy phép khai thác đối với các doanh nghiệp gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Đặc biệt, Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề án trao Giải thưởng khoáng sản cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo các tiêu chí: đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản trong khai thác, chế biến; thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính trong khai thác khoáng sản.

 

Tổng cục cũng thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh từ người dân, doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý khoáng sản để rà soát, kịp thời đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về khoáng sản.

 

Nguồn: www.monre.gov.vn