Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam
30/11/2016
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiên Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tháng 9/2015, Việt Nam đã xây dựng và đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) lên Ban thư ký UNFCCC, đồng thời trước thềm Hội nghị COP22 vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về khí hậu và Kế hoạch của Việt Nam về thực hiện Thỏa thuận Paris tại tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 về việc phê chuẩn Thoả thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định số 2503/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc thông qua này được coi là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm 8% hiệu ứng khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường từ nguồn lực quốc gia và có thể tăng lên tới 25% nếu có sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế.

 

 

Hạn hán do ảnh hưởng nặng nề của BĐKH tại Việt Nam

 

Theo đó, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu có 5 nhóm nhiệm vụ: (1) Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (2) Nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực; (4) Nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch; (5) Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế.

 

Với nhóm nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ cho năm cơ sở 2014, 2016, 2018 và đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu vào năm 2018.

 

Năm 2025, 2030 hoàn thành thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm thực hiện NDC phù hợp với điều kiện quốc gia trên cơ sở đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ.

 

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ trì thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khác phù hợp với điều kiện quốc gia. Nhiệm vụ này phải hoàn thành vào năm 2030.

 

Với nhóm nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, địa phương chủ trì xây dựng kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) hoàn thành vào năm 2019.

 

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các cơ quan bảo hiểm chủ trì đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu xác định nhu cầu thích ứng và nhu cầu giải quyết các vấn đề liên quan tới tổn thất và thiệt hại...

 

Với nhóm nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực, Chính phủ giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng triển khai chương trình đào tạo lại cán bộ, viên chức, người lao động đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris hoàn thành vào năm 2017.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính bố trí ngân sách để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện theo tiến độ và yêu cầu nêu trong Kế hoạch. Đến năm 2019 hoàn thành việc xây dựng quy trình lập kế hoạch đầu tư công cho biến đổi khí hậu trung hạn và hàng năm.

 

May Nguyễn