Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
09/04/2017
Ngày 03/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

 

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

 

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước quy định tại Nghị định này gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

 

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.

 

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức.

 

Nghị định quy định các tổ chức,cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng.

 

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như:

 

Một là, Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng;

 

Hai là, đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng;

 

         Ba là, tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

 

Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt hành chính.

 

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định quy định rõ đối với hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, hình thức xử phạt bổ sung, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức khắc phục hậu quả sau:

 

Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Khác phục tình trạng hạn hán, lũ lụt, thiếu nước; Buộc thực hiện việc trám, lấp giếng, thực hiện biện pháp phục hồi môi trường khai thác; Buộc thực hiện đúng quy định vận hành hồ chứa; đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ...; Buộc khắc phục thiệt hại với các hành vi vi phạm gây ra lũ, lụt ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

 

Nghị định số 33/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017 thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. 

 

May Nguyễn