Hội nghị tổng kết công tác quản lý vận hành hoạt động quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
06/06/2017
Sáng ngày 31/5/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý vận hành hoạt động quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Trần Phong, Cục trưởng Cục môi trường miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), các đồng chí là Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là có sự tham dự của gần 150 đại biểu đại diện cho các Công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các khu xử lý chất thải và các doanh nghiệp có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hội nghị đã đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, công tác cảnh báo ngăn ngừa ô nhiễm nói riêng và công tác giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường thông qua công cụ quan trắc tự động.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, tập trung chỉ đạo. Để giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, trong đó thực hiện thủ công đầy đủ các thành phần môi trường như nước mặt, nước dưới đất, không khí, đất. Bên cạnh đó, Tỉnh ưu tiên ứng dụng công nghệ quan trắc môi trường tự động nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm, hạn chế các thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, lắp đặt 05 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 19 trạm quan trắc nước thải tự động tại 19 KCN, 02 trạm quan trắc không khí tự động cố định, 01 trạm quan trắc không khí tự động di động và 01 xe hiệu chuẩn di động.

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Sau một thời gian vận hành, các hệ thống quan trắc tự động môi trường đã đem lại một số hiệu quả thiết thực như: chất lượng nước mặt được theo dõi thường xuyên, liên tục, qua đó đã phát hiện kịp thời các trường hợp biến động, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những cảnh báo kịp thời đến cộng đồng, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu các tác động do biến động môi trường gây ra. Các hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp cũng đã kịp thời cảnh báo để các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nhờ đó, ý thức của doanh nghiệp xử lý nước thải ngày càng được nâng cao, việc giám sát nước thải của các nguồn thải lớn được giám sát chặt chẽ, kịp thời.

 

Đối với chất lượng không khí, bên cạnh kết quả quan trắc môi trường định kỳ cho thấy, chất lượng môi trường không khí chưa thấy có dấu hiệu ô nhiễm. Nhưng tại khu vực xung quanh khu công nghiệp đã phát hiện một vài khu vực ô nhiễm bụi và tiếng ồn với giá trị vượt nhẹ so với quy chuẩn cho phép, tần suất phát hiện ô nhiễm thấp.

 

Báo cáo tại cuộc họp, bà Võ Niệm Tường – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai đã đánh giá: Giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh đã và đang thực hiện quan trắc môi trường nước mặt tại 153 vị trí, gồm: 17 sông, 21 hồ, 54 suối, rạch nhỏ; giai đoạn 2021 – 2025, sẽ thực hiện quan trắc tại 156 vị trí, gồm: 17 sông, 24 hồ, 54 suối, rạch nhỏ; đồng thời, duy trì vận hành 05 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt từ năm 2011 đến nay cho thấy chất lượng nước mặt có xu hướng được cải thiện. Các khu vực phát hiện ô nhiễm trong giai đoạn trước đã được phục hồi như sông Thị Vải. Chất lượng nước hồ Trị An ổn định, đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt.

Đối với các khu công nghiệp: Ngay từ năm 2010, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải. Hiện nay, đã có 16/30 KCN thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải để quan trắc 17 KCN với tổng số trạm quan trắc là 21 trạm.

 

Để tăng cường việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư, lắp đặt 19 hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN đã được lấp đầy trên 50% diện tích. Trong năm 2017, Đồng Nai tiếp tục lập dự án đầu tư trạm quan trắc nước thải tự động cho 06 KCN, nâng tổng số KCN có nước thải sau xử lý được quan trắc tự động là 25 KCN. Còn lại 05 KCN đang hoạt động hiện lượng nước thải tiếp nhận ít, đang lưu chứa tại hệ thống xử lý nước thải, chưa xả thải ra môi trường nên chưa đủ điều kiện đầu tư lắp đặt.

 

 

Toàn cảnh thao luận tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, đã có hơn 20 ý kiến phát biểu của các huyện, các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, các cơ sở có nguồn thải lớn nhằm trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc thường gặp khi vận hành các trạm quan trắc tự động cũng như đưa ra các kiến nghị, giải pháp quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường để cùng giải quyết nhằm mục đích bảo vệ môi trường ngày một tốt đẹp hơn.

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã nhấn mạnh hiệu quả đem lại từ việc vận hành, quản lý nhà nước của các hệ thống quan trắc tự động môi trường đến năm 2017, nổi bật là hệ thống quan trắc nước thải tự động đã thể hiện rõ vai trò cảnh báo sớm ô nhiễm. Qua đó, có những khuyến cáo để cảnh báo đến cộng đồng nhằm giảm thiểu các tác động do biến động của môi trường và có những giải pháp xử lý, cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên rõ rệt.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cần tiếp tục phát huy thực hiện nhiệm vụ quan trắc tự động, tập trung hoàn chỉnh các hệ thống quan trắc tự động môi trường nước mặt, không khí và nước, tăng cường mật độ quan trắc, hoàn thiện việc công khai thông tin quan trắc môi trường để cộng đồng cùng theo dõi, giám sát. Đối với các doanh nghiệp có nguồn thải lớn nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, yêu cầu các chủ doanh nghiệp khẩn trương lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, theo dõi, kịp thời cảnh báo, thời hạn thực hiện đến cuối tháng 9/2017. Nếu quá thời hạn này, giao Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất biện pháp chế tài xử lý, cần thiết sẽ tạm ngưng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, bên cạnh việc vận hành các hệ thống xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc vận hành hệ thống, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt là khi có sự cố liên quan đến số liệu quan trắc môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

 

Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, những khó khăn vướng mắc trong việc quản lý, vận hành hệ thống quan trắc tự động để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cấp có thẩm quyền xử lý. Trong đó, đề nghị cần sớm ban hành quy định về yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục để đồng bộ các thiết bị quan trắc tự động; các thông số quan trắc lắp đặt phù hợp với tính chất nước thải từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục và quy định về kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động nước thải liên tục để tạo sự đồng bộ trong quá trình quản lý và vận hành các thiết bị quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình để yêu cầu các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải từ 200 m3/ngày trở lên cũng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để theo dõi, giám sát.

 

Khôi Vũ