Triển khai Nghị định 36/2020/NĐ-CP
29/05/2020
Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thay thế Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 03/4/2017. Nghị định số 36/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 36) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020.

 

Nghị định 36 gồm có 5 Chương, 71 Điều bao gồm:

 

Chương I: Những quy định chung (Điều 1 đến Điều 5).

 

Chương II: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó:

 

Mục 1: Vi phạm các quy định về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất (Điều 6 đến Điều 13).

 

Mục 2: Vi phạm các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa (Điều 14 đến Điều 19).

 

Mục 3: Vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước (Điều 20 đến Điều 27).

 

Mục 4: Vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên nước (Điều 18 đến Điều 29)

 

Chương III: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó:

 

Mục 1: Vi phạm quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và quản lý khoáng sản (Điều 30 đến Điều 54).

 

Mục 2: Vi phạm quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ (Điều 55 đến Điều 62).

 

Chương IV: Thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản (Điều 63 đến Điều 70).

 

Chương V: Điều khoản thi hành (Điều 71 đến Điều 73).

 

Về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm, Nghị định 36 giữ nguyên so với Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, cụ thể mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức (điểm b khoản 1 Điều 4). Đồng thời, Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 36 này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 5).

 

Một số điểm mới cần lưu ý của Nghị định 36 so với Nghị định số 33/NĐ-CP như sau:

 

- Thứ nhất: Hình thức xử phạt chính bằng tước quyền sử dụng giấy phép, Nghị định số 36 quy định tăng thời gian tước tuyền sử dụng giấy phép  lên tối đa là 24 tháng so với 12 tháng như Nghị định số 33 trước đây (điểm c khoản 1 Điều 4);

 

- Thứ hai: Hình thức xử phạt bổ sung Nghị định số 36 bổ sung cụ thể quy định về việc Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, cụ thể như sau (điểm r khoản 1 Điều 4):

 

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác nước cho các mục đích sản xuất phi nông nghiệp khác với sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm bằng (=) tổng lượng nước khai thác nhân (x) giá bán nước sạch cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác sử dụng tài nguyên nước.

 

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với lĩnh vực khoáng sản là toàn bộ số tiền tương ứng với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác nhân (x) với giá của một đơn vị khối lượng khoáng sản tính thuế tài nguyên (tấn, m3, kg,…) tại thời điểm xác định mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) đi chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản đó.

 

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phí, lệ phí khác theo quy định do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách nhà nước thì các khoản chi phí trên được trừ đi khi tính số lợi bất hợp pháp.

 

Thứ 2: Bổ sung thêm quy định Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm (điểm s, khoản 4).

 

Để triển khai thực hiện Nghị định 36, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2378/BTNMT-TNN ngày 04/5/2020 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác nhau để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 36. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định 36 cho một số đơn vị, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, dự kiến triển khai vào tháng 7/2020.

 

Hình ảnh minh họa:

Ảnh 1: Khai thác nước dưới đất trái phép

 

Ảnh 2: Khai thác khoáng sản gây sạt lở

 

Võ Trương Như Thủy