LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

1. Quá trình hình thành ban đầu (1976 -1986) 
     Tháng 7/1976, Phòng Quản lý ruộng đất thuộc Ty Nông nghiệp được thành lập. Trưởng phòng là Đồng chí Tống Hoài Lân, hai phó trưởng phòng là đồng chí Đỗ Sĩ Ấn và đồng chí Nguyễn Văn Dũng. 
     Ngày 24/05/1979, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định thành lập hệ thống quản lý ruộng đất trực thuộc Hội đồng Chính phủ và UBND các cấp để thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai. 
     Ngày 16/12/1981, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 717/QĐ.UBT tách Phòng Quản lý Ruộng đất thuộc Ty Nông nghiệp thành lập Ban Quản lý Ruộng đất trực thuộc UBND tỉnh. 
     Trong thời gian đầu mới thành lập, Ban Quản lý Ruộng đất có 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng Ban và 63 cán bộ công nhân viên, được tổ chức thành 04 phòng: Điều tra Cơ bản 24 người, Đăng ký thống kê ruộng đất 06 người. Ngoài ra, Tỉnh đã tăng cường 10 cán bộ về các huyện để thực hiện công tác quản lý ruộng đất ở địa phương. 
     Trưởng Ban Quản Lý Ruộng đất đầu tiên của Tỉnh là đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp, hai phó trưởng Ban là đồng chí Nguyễn Xuân Hai và đồng chí Nguyễn Văn Dũng. 
     Đối với cấp huyện, có bộ phận Quản lý Ruộng đất từ 1- 4 người thuộc Phòng Nông nghiệp. Cấp xã, công tác Quản lý Ruộng đất do cán bộ thống kê hoặc Nông nghiệp kiêm nhiệm. 
     Ra đời Ban quản lý ruộng đất là một sự kiện quan trọng đối với Ngành Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, là cột mốc đánh dấu sự ra đời cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về đất đai nói riêng và tài nguyên và môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh.

2. Giai đoạn củng cố và xây dựng (1986-1993) 
     Đó là giai đoạn năm 1986-1993. Thời kỳ này hệ thống tổ chức ngành Địa chính không có thay đổi lớn so với thời năm 1981-1985. Năm 1986, Ban Quản lý Ruộng đất tỉnh lúc này có 01 Trưởng ban, 02 Phó trưởng ban và 61 cán bộ công nhân viên, được tổ chức thành 04 phòng (Điều tra Cơ bản, Đăng ký thống kê Ruộng đất, Thanh tra, Tổng hợp) cùng với một trạm phân tích thổ nhưỡng. Trưởng Ban Quản lý Ruộng đất là đồng chí Tống Hoài Lân, hai phó trưởng Ban là đồng chí Nguyễn Xuân Hai và đồng chí Nguyễn Văn Dũng. Năm 1992, UBND tỉnh bổ nhiệm tiếp đồng chí Lê Viết Hưng làm Phó Trưởng Ban. 
     Cấp huyện là Tổ Quản lý Ruộng đất thuộc Phòng nông nghiệp; cấp xã do cán bộ thống kê hoặc nông nghiệp kiêm nhiệm. 
     Thời kỳ này bộ máy tổ chức và Quản lý Đất đai cấp tỉnh, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên bộ máy tổ chức Quản lý Đất đai cấp huyện, cấp xã còn phụ thuộc, kiêm nhiệm nhiều việc lại thường xuyên thay đổi nên hồ sơ, tài liệu làm ra không được bảo quản, chỉnh lý biến động thường xuyên.

3. Giai đoạn phát triển (1993 đến nay) 
     Đây là giai đoạn có nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình hoạt động của ngành Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai. 
     Thực hiện Nghị Định 34/CP ngày 23 tháng 4 năm 1994 của Chính Phủ, ở Trung Ương đã thành lập Tổng Cục Địa chính trên cơ sở xác nhập Tổng cục Quản lý Ruộng đất và Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước. Tại Đồng Nai, ngày 23/8/1994, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1961/QĐ.UBT thành lập Sở Địa chính trên cơ sở Ban quản lý Ruộng đất cũ. Sở Địa chính mới được thành lập có 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc và 36 công nhân viên, được tổ chức thành 04 phòng (Tổ chức- Hành chính- Tổng hợp 09 người, Đăng ký- Thống kê 06 người, Kế hoạch Tài chính 05 người, Đo đạt Bản đồ 07 người), Thanh tra Sở có 06 người và một Tổ Lưu trữ gồm 03 người.
     Ngày 04/9/1995, UBND tỉnh Quyết định thành lập Phòng Quy hoạch _ Giao đất trên cơ sở tách phòng Kế hoạch-Tài chính (Quyết định sồ 2060/QĐ.UBT). Ngày 24/6/1996 xác nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính và Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp thành Phòng Hành chính Tổng hợp (Quyết định số 3293/QĐ.UBT). 
     Ngày 06/02/2001, nhằm thống nhất việc quản lý nhà đất, tạo điều kiện cho người dân trong việc lập các thủ tục nhà đất, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 358/QĐ.CT.UBT sáp nhập Phòng Quản lý nhà thuộc Sở Xây dựng về Sở Địa chính thành lập Sở Địa chính - Nhà đất. 
     Bên cạnh việc cũng cố, kiện toàn lại các phòng chuyên môn trực thuộc Sở, bộ máy tổ chức của Sở đã hình thành thêm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đơn vị đầu tiên là Trung tâm kỹ thuật Địa chính - một đơn vị sự nghiệp có thu, dự toán cấp hai hoạt động theo phương thức tự trang trải. Tổng số cán bộ công nhân viên là 28 người (trên cơ sở lực lượng của đội đo đạt thuộc Sở trước đây), trong đó có 01 Giám đốc, 01 phó Giám đốc và 26 nhân viên được tổ chức thành 02 phòng (Hành chính, Kỹ thuật) và một Đội Đo đạc - Bản đồ. Ngày 03/9/1999, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3201/QĐ.CT.UBT, chuyển trung tâm thành đơn vị dự toán cấp 01 và bổ sung chức năng đo vẽ nhà, dịch vụ tư vấn pháp luật đất đai. Hiện nay Trung tâm có 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc và 225 viên chức được tổ chức thành 11 đơn vị trực thuộc bao gồm 05 phòng, 03 đội và 3 đơn vị trực thuộc. 
     Đơn vị thứ hai được thành lập đó là Trung tâm thông tin Lưu trữ địa chính -một đơn vị sự nghiệp dự toán cấp 2. Trung tâm có tổng số cán bộ, công nhân viên là 09 người trong đó có 01 Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm và 08 nhân viên (trên cơ sở Tổ Lưu trữ thuộc Sở trước đây). 
     Riêng cấp huyện, đến cuối năm 1994 cũng thành lập Phòng Địa chính (riêng Tp. Biên Hoà thành lập Ban Địa chính). Tổng số cán bộ công nhân viên chức là 67 người. Ở cấp xã, đến cuối năm 1995 đã có 163/163 xã, phường, thị trấn bổ nhiệm đầy đủ cán bộ Địa chính. Đặc biệt, để giữ ổn định cán bộ Địa chính xã và tao điều kiện đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đất đai ở cơ sở. Từ tháng 5/1994, UBND tỉnh đã giao cho Sở Địa chính trực tiếp điều động, bố trí, chuẩn y và trả lương, sinh hoạt phí cho cán bộ Địa chính xã. Đến năm 1998, thực hiiện Nghị định 09/CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 812/1998/QĐ.UBT việc quản lý trả lương cho cán bộ Địa chính xã, giao về cho UBND xã đảm nhiệm từ tháng 10/1999 đến nay. 
     Lãnh đạo Ban quản lý ruộng đất, rồi Sở Địa chính giai đoạn 1986 - 1996 gồm Giám đốc là đồng chí Tống Hoài Lân, hai Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Xuân Hai và đồng chí Lê Viết Hưng. Năm 1996, đồng chí Tống Hoài Lân và đồng chí Nguyễn Xuân Hai nghỉ hưu, UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Viết Hưng làm Giám đốc, Phó Giám đốc là đồng chí Nguyễn Hữu Lý. Năm 1998, UBND tỉnh bổ nhiệm tiếp đồng chí Phan Văn Linh làm Phó Giám đốc. 
     Năm 2003, bộ máy cơ quan quản lý về đất đai có sự thay đổi lớn, ở Trung ương Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường; ở địa phương, ngày 17/06/2003, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 1746/QĐ.UBT của về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở sáp nhập chức năng Sở Địa chính Nhà đất với các chức năng quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản từ các Sở khác; đối với cấp huyện, đến cuối tháng 12 năm 2003 cũng đã hình thành Phòng Tài nguyên và Môi trường trên cơ Sở phòng Địa chính Nhà đất trước đây được bổ sung thêm các chức năng mới theo quy định. 
     Đồng chí Lê Viết Hưng tiếp tục được UBND tỉnh bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, 3 phó giám đốc gồm: đ/c Nguyễn Hữu Lý, đ/c Phan Văn Linh, đ/c Phan Văn Hết. Đến tháng 12 năm 2005, đ/c Nguyễn Hữu Lý được UBND tỉnh điều chuyển công tác; tháng 3/2006 UBND tỉnh bổ nhiệm tiếp đ/c Võ Văn Chánh làm phó giám đốc. Bộ máy tổ chức của Sở thời kỳ này được tổ chức thành 10 đơn vị trực thuộc gồm: 05 phòng chuyên môn (Phòng Quy hoạch Kế hoạch, Phòng Đăng ký Nhà đất, Phòng Đo đạc Bản đồ, Phòng Môi trường, Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản), Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Trung tâm Kỹ thuật Địa chính Nhà đất, Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường. Ngày 04/6/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2135/2004/QĐ.UBT thành lập Qũy Bảo vệ môi trường Đồng Nai; tháng 4 năm 2005, UBND tỉnh quyết định chuyển chức năng quản lý nhà về Sở Xây dựng và sáp nhập Phòng Đo đạc Bản đồ và Phòng Đăng ký Nhà đất thành Phòng Đất đai; ngày 24/2/2005, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 872/QĐ.CT.UBT thành lập Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Môi trường và các chức năng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. 
     Như vậy tính đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 04 phòng chuyên môn, Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 04 đơn vị sự nghiệp dự toán cấp 1 trực thuộc (Trung tâm kỹ thuật địa chính Nhà đất, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường, Qũy Bảo vệ môi trường Đồng Nai). Tổng số cán bộ công chức, viên chức 450 người (cán bộ công chức thuộc khối văn phòng Sở 82 người, người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp 378 người) . Trong đó có 06 người trình độ trên đại học, chiếm 1,17%; 165 người trình độ đại học, chiếm 38,9%; 156 người có trình độ cao đẳng và trung cấp, chiếm 36,6%; còn lại là công nhân kỹ thuật và một số nhân viên khác. 
     Từ Ban Quản lý Ruộng đất, Sở Địa chính, Sở Địa chính - Nhà đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường ngày nay qua gần 30 năm đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong chặng đường phát triển. Trong công tác quản lý đất đai, đã xây dựng được hệ thống bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính cho toàn bộ 171 xã, phường, thị trấn. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 329.667 hộ gia đình, cá nhân; đạt tỷ lệ 97% số hộ khu vực nông thôn và 74 % số hộ khu vực đô thị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đã hoàn tất việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 cho các cấp hành chính trong tỉnh. Giải quyết hàng ngàn vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh. Về bảo vệ môi trường, đã xây dựng được mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt, nước ngầm và môi trường không khí cho các khu vực trọng điểm; xây dựng phòng thí nghiệm phân tích và thử nghiệm môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông môi trường; thẩm định về thủ tục bảo vệ môi trường cho hàng ngàn dự án đầu tư. Công tác quản lý môi trường đã góp phần xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp và các đô thị trong tỉnh. Về quản lý tài nguyên nước và khoáng sản đã từng bước thiết lệp hệ thống cơ sở dữ liệu, quy hoạch khai thác sử dụng đảm bảo hiệu quả, bền vững. 
     Sở Tài nguyên và Môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về phát triển công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai và đo đạc bản đồ. Với những thành tích đã đạt được, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc; năm 2000 vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng ba.