Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin:Một yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
29/06/2006
Ngày nay, thế giới công nghệ thông tin (CNTT) phát triển ngày càng mạnh. Các phần cứng cũng như phần mềm đều trở nên hiện đại và hoàn thiện hơn. Việc ứng dụng thành quả của CNTT vào lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT) là một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin về TN-MT của các tổ chức kinh tế-xã hội và nhân dân.
Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào tác nghiệp kỹ thuật luôn là vấn đề được Sở TN-MT đặc biệt quan tâm. Trong đó, riêng Trung tâm Kỹ thuật Địa chính - Nhà đất Đồng Nai (KTĐC-NĐ) đã triển khai ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến; đầu tư, trang bị các phần mềm, trang thiết bị tin học vào quản lý nhà đất. Các hoạt động này bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu quả công tác, giúp Sở TN-MT hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh sự phát triển của ngành.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nhiều phần mềm phổ biến trên thế giới (như: MicroStation, Mapinfo, AutoCad …) và các phần mềm do Bộ TN-MT chuyển giao (Famis và Caddb…) đã được Trung tâm KTĐC-NĐ đưa ứng dụng khá thành công. Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến nay, Trung tâm đã liên tục tự nghiên cứu, thiết kế, cải tiến nhiều phần mềm có khả năng thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chính trị và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng kể nhất là các phần mền: Atlas Điện tử Đồng Nai; Quản lý số nhà; Quản lý thông tin quy hoạch; Quản lý kho dữ liệu và tiến độ hồ sơ; Website của trung tâm; Quản lý thông tin giao dịch bất động sản và Cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường...Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng cải tiến một số modul như: tự động trích vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã chồng ghép quy hoạch, vẽ hiện trạng nhà ở, lập hồ sơ địa chính; nâng cấp phần mềm Caddb để đáp ứng các yêu cầu theo thông tư 29, chuyển tự động dữ liệu Tổng kiểm kê năm 2005 từ Excel vào phần mềm TK05 ...Chính nhờ các phần mềm này, các loại bản đồ, hồ sơ địa chính từ đó đã được "chuẩn hóa" và chuyển thành các file dữ liệu có khả năng truy xuất, cập nhật khá nhanh, đáp ứng được yêu cầu quản lý và khai thác thông tin, phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả CNTT, vấn đề quan trọng nhất là phải đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống tin học. Hàng năm, Trung tâm KTĐCNĐ đã mua sắm bổ sung khoảng 20 máy vi tính và nhiều thiết bị tin học khác bằng nguồn tự trang trải và đến nay Trung tâm đã có tổng cộng 150 máy vi tính (gồm cả 2 Server) được nối mạng cục bộ (LAN) và mạng Internet tốc độ cao (ADSL), 29 máy in (có 3 máy in màu khổ A0), 8 máy toàn đạc điện tử tự động (total station), 1 máy định vị vệ tinh (GPS), các phần mềm chuyên dùng và một số thiết bị tin học khác. Nhìn chung, các trang thiết bị công nghệ tin học phục vụ công tác quản lý đất đai và đo đạc bản đồ đã đầu tư kịp thời, tiếp cận với nền công nghệ hiện đại.
Với việc xác định con ngưòi là yếu tố quyết định trong việc ứng dụng hiệu quả CNTT, trung tâm KTĐC-NĐ Đồng Nai luôn chăm lo xây dựng bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực bằng cách tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tin học cho cán bộ, công chức. Việc đào tạo tin học cũng được phân thành nhiều nhóm đối tượng như: Cán bộ tin học chuyên trách, cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ...để có chương trình đào tạo cho phù hợp và thiết thực. Hiện nay, tại Trung tâm KTĐC-NĐ đã có Phòng Công nghệ và Bản đồ, trong đó tổ công nghệ bao gồm những cán bộ có trình độ kỹ sư tin học hoặc tương đương, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của ngành. Hàng năm, các cán bộ này được đào tạo thêm các lớp tin học chuyên sâu, quản trị CSDL SQL, Oracle...Ngoài việc tiếp nhận và tổ chức triển khai tốt các trang thiết bị và các ứng dụng các phần mềm tin học do cấp trên cấp, tổ Công nghệ có thể tự nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình ứng dụng tin học có tính chất đặc thù riêng của ngành theo yêu cầu của nghiệp vụ.
Chính nhờ ứng dụng có hiệu quả nhiều thành tựu CNTT trong công tác quản lý TN-MT, nên chất lượng hoạt động của Sở TN-MT Đồng Nai ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Bùi Văn Dũng - Trung tâm Kỹ thuật Địa chính – Nhà đất