Trái nổi báo nước mặn
06/06/2016
Đó là một giải pháp của giáo viên và học sinh trường THCS Phan Văn Trị, phường 7, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) được xem là có tính ứng dụng cao trong giám sát xâm nhập mặn.

 

Cô Lư Thị Huệ và học sinh đang thực nghiệm lại giải pháp Trái nổi báo nước mặn

 

Cô giáo Lư Thị Huệ (trường THCS Phan Văn Trị) cho biết nguyên lý hoạt động của giải pháp này là trong trái nổi có chứa nước mặn (độ mặn tương đương với độ mặn an toàn – thường là 2 phần nghìn). Khi thả trên kênh rạch, nếu độ mặn của nước trong kênh rạch cao hơn trong trái nổi thì trái nổi nhô càng cao hơn mức tiêu chuẩn. Ngược lại nếu độ mặn của nước ở kênh rạch thấp hơn thì trái nổi chìm xuống.

 

Theo em Lê Phúc Hưng, học sinh lớp 9A2, trường THCS Phan Văn Trị, cấu tạo của trái nổi, phần nổi nhô lên mặt nước (h=5mm); phần chìm trong chất lỏng chứa nước mặn kế với thể tích V= 267,181 ml. R= 40,605 mm…Nguyên lý hoạt động của trái nổi, trong trái nổi có chứa nước mặn, phần nổi nhô lên mặt…Trái nổi hoạt động nổi trên mặt chất lỏng theo lực đẩy, khi thả trái nổi vào nước mặn có độ mặn cân bằng với độ mặn của nước mặn kế trong trái nổi thì trái nổi nằm cân bằng. Khi đó phần nhô cao hơn mặt chất lỏng có độ cao h và h có giá trị khác nhau tùy thuộc vào độ mặn của nước…

 

“Kết quả thực nghiệm mô hình trái nổi báo nước mặn đã được thực hiện ở một số địa phương bị xâm nhập mặn trong tỉnh Hậu Giang cho những thông số trùng khớp với kết quả đo độ mặn bằng máy đo độ mặn kỹ thuật cao…”- Em Lê Phúc Hưng, học sinh lớp 9A2, trường THCS Phan Văn Trị phấn khởi cho biết thêm

 

Vật liệu chế tạo ra trái nổi là bóng nhựa dễ tìm với số tiền đầu tư chỉ khoảng 20.000 đồng và độ bền cao trên 36 tháng.

 

Cố Lư Thị Huệ cho biết, nguyên tắc chế tạo trái nổi dựa trên lực đất acsimet mà nhiều học sinh cấp 2 đã am hiểu. Trái nổi được thiết kế một cách khoa học, chính xác dựa trên các kết quả đo đạt thực nghiệm cụ thể theo dõi liên tục độ mặn của nước. Trái nổi có thể dự báo sự xâm nhập của nước mặn từ đầu mùa đến cuối mùa. Kết quả đo độ mặn của trái nổi giúp người dân kiểm soát quá trình xâm nhập mặn bất thường lấn sâu vào nội đồng để phòng chống kịp thời, tránh những thiệt hại trong quá trình sản xuất và sinh họat.

 

Ông Lê Văn Tám, ở ấp 1, xã Vị Tân thử nghiệm sử dụng trái nổi báo nước mặn.

 

Ông Lê Văn Tám, ấp 1, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh là người thử nghiệm trái nổi cho biết, vào cuối năm 2015 nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh, rạch, nhưng vì không thể xác định được độ mặn nên ông đã lấy nước tưới hậu quả là mấy luống rau bị chết sạch vì tưới phải nước nhiễm mặn. Vừa qua, cô giáo Huệ đã hỗ trợ cho tôi một số trái nổi báo mặn và hướng dẫn tôi kỹ thuật đo độ mặn trên kênh Ổ Sấu. “Từ khi có trái nổi rồi, nguồn nước ở dưới kênh Ổ Sấu có bị nhiễm mặn hay không tôi đều biết, từ đó giúp tôi chủ động trong việc lấy nước tưới cây…”- Ông Lê Văn Tám vui vẻ nói.

 

Giải pháp này đã được đánh giá cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang. Trái nổi báo nước mặn sẽ giúp cho người dân phát hiện sớm sự xâm nhập mặn, từ đó có biện pháp ngăn mặn kịp thời để phục vụ nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt.

 

Đây là một giải pháp dễ làm và có hiệu quả cao. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần nghiên cứu, xác định tính chính xác của giải pháp để nhân rộng ra cộng đồng.

 

Nguồn: Monre.gov.vn