Lý Sơn - “Công viên địa chất toàn cầu” mới của Việt Nam?
01/08/2016
Mang hình dạng núi lửa đẹp tầm cỡ quốc tế, lại sở hữu các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị và hội tụ đủ các yếu tố để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia quốc tế sau khi tiến hành khảo sát và nghiên cứu thực tế tại khu vực Bình Châu - Lý Sơn và vùng phụ cận (tỉnh Quảng Nam).

 

Ảnh minh hoạ

 

Địa chất, địa mạo vô cùng giá trị!

 

“Khu vực này có quá nhiều điểm địa chất giá trị, hoàn toàn có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu!” GS.TS. Ibrahim Komoo- Phó Chủ tịch Hiệp hội mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đã thốt lên như vậy sau khi khảo sát 7 điểm địa chất ở Lý Sơn và vùng ven biển Bình Châu. Đây không chỉ là nhận xét riêng của ông Komoo mà còn là đánh giá chung của 4 chuyên gia nước ngoài thuộc Hội đồng Di sản thế giới của UNESCO, cũng có mặt trong chuyến khảo sát vừa qua.

 

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, nhận định: Xét về mặt địa chất, địa mạo và môi trường, khu vực Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận thể hiện rất rõ mối tương tác tự nhiên giữa núi lửa, biển và con người, với những di sản địa chất vô cùng phong phú và đa dạng, đánh dấu nhiều đợt chuyển biến của vỏ trái đất, quá trình tạo sơn, tạo biển cách đây hàng triệu năm về trước.

 

Có thể nhận thấy, tại hang Câu, chùa Hang, Giếng Tiền (Lý Sơn) các vách kiến tạo được bào mòn cực kỳ ấn tượng, có ý nghĩa khoa học cao thể hiện rõ qua các lớp trầm tích núi lửa có niên đại lên tới hơn 10 triệu năm. Chúng gắn liền với sự hình thành, tách giãn Biển Đông của Đông Nam Á và nhiều chu kỳ thay đổi mực nước biển đại dương trong suốt thời gian đó. Còn miệng núi lửa Ba Làng An, dấu chân ông khổng lồ, An Hải sa bàn, Thạch Ky điếu tấu, Cổ Lũy cô thôn, cổng tò vò… ví như những tuyệt phẩm của tự nhiên được tạo thành từ sự tương tác giữa biển và núi lửa.

 

Khu vực Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận còn được xem là một bảo tàng thiên nhiên lớn về núi lửa biển, phân bố rất đa dạng các loại hình núi lửa như: núi lửa phun nổ (Thới Lới, Giếng Tiền, Giếng Sỏi), núi lửa phun khí (Hòn Tai), núi lửa phun trào (khu vực Tịnh Hòa, Bình Phú) với đa dạng các loại đất đá, tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau cùng các loại hình di sản địa mạo, cảnh quan sinh thái núi lửa.

 

Đến với Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận, chúng ta còn có thể tìm hiểu về một giai đoạn phát triển sống động của trái đất, gắn liền với tiến hóa văn minh của con người; các chu kỳ vận động của vỏ trái đất tới độ sâu 40 - 50 km, các đợt phun trào kế tiếp nhau từ lòng đất lên bề mặt, các đợt biển tiến vào và lùi khỏi lục địa; cùng công cuộc khai phá đầu tiên của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một luồng thông thương sầm uất ở Biển Đông...

 

Tất cả những giá trị địa chất, địa mạo “độc nhất vô nhị” của khu vực Bình Châu- Lý Sơn đều được các chuyên gia, nhà khoa học thừa nhận sau khi đến, nghiên cứu và trải nghiệm ở đây.

 

Kỳ vọng Công viên địa chất toàn cầu thứ 2

 

Biến ước mơ này thành hiện thực, tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực phối hợp với Bộ Văn Hóa- Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học địa chất & Khoáng sản (Bộ Tài nguyên & Môi trường) chuẩn bị các bước cuối cùng để được UNESCO công nhận.

 

Vấn đề trước mắt và lâu dài là làm thế nào để kêu gọi sự tham gia của người dân địa phương trong bảo tồn và phát triển công viên địa chất. Khi đã trở thành công viên địa chất toàn cầu, thì vùng địa chất cũng như hệ sinh thái phải được giữ nguyên hiện trạng dù trải qua 100 hay 200 năm sau.

 

Tiến sĩ Nancy Rhoenar Aguda-Trường đại học tổng hợp Philippines cho rằng: “Thay đổi nhận thức của người dân rất khó khăn, và địa phương sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển du lịch địa chất. Do đó, chính quyền cần phải hết sức kiên nhẫn, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức. Làm được điều này, có nghĩa là đã thành công bước đầu”.

 

Tiến sĩ Nancy cũng “hiến kế” cho Quảng Ngãi về cách giáo dục cộng đồng hiệu quả, chính là tiếp cận với thế hệ trẻ, tầng lớp học sinh. Một khi thế hệ trẻ nắm bắt được những thông tin về giá trị di sản họ đang có, thì khả năng cả cộng đồng nâng cao nhận thức và có hành động bảo vệ là rất lớn.

 

“Các bạn đang ở giai đoạn đầu hình thành nên công viên địa chất tại vùng Lý Sơn- Bình Châu. Để phát triển thành công viên địa chất thì cần thời gian dài. Và các bạn cần phải hành động ngay từ bây giờ với việc đầu tư, phát triển liên tục, giữ cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giáo dục cộng đồng”- ông Komoo nhấn mạnh.

 

“Từ nay, khu vực Bình Châu - Lý Sơn sẽ phải được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cũng khẳng định như vậy với giới chức tỉnh này khi thảo luận với các chuyên gia quốc tế về những giá trị ngoại hạng của khu vực Bình Sơn- Lý Châu.

 

Nguồn: www.monre.gov.vn