Hội thảo Thoả thuận Paris về khí hậu và đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam
25/11/2016
Sáng ngày 24/11/2016 tại Tp Hồ Chí Minh, được sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ thông qua dự án "Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam" tổ chức Hội thảo Thoả thuận Paris về khí hậu và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về COP22. Đồng thời công bố kế hoạch thực hiện thoả thuận Paris của Việt Nam và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam.

 

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KTTV&BĐKH

 

Chủ trì Hội thảo là ông Nguyễn Văn Thắng, viện trưởng Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu, các diễn giả đến từ Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu và đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương của các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và tp Hồ Chí Minh. 

 

 

Bà Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Dự án NAMA

 

Thông qua Dự án gọi tắt là IMHEN/GIZ NAMA với tên là "Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam" do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ, Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu cùng với Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu tổ chức hội thảo nhằm cung cấp các kiến thức cho các đại biểu những thông tin cập nhật về quá trình đàm phán khí hậu, những điểm chính của thoả thuận Paris và những nội dung quan trọng của Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời thông báo những điểm chính bản cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. 

 

 

Các Đại biểu tham dự hội thảo

 

Ngày 04/11/2016, trước khi khai mạc Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (COP 22) thoả thuận Paris về khí hậu đã có hiệu lực. Cho đến nay, có 112 Bên nước phê chuẩn/phê duyệt Thoả thuận, chiếm 77% tổng lượng phát thải toàn cầu. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyêt Thoả thuận Paris về khí hậu và Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 về việc phê chuẩn Thoả thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định số 2503/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện và phổ biến rộng rãi về Thoả thuận Paris ngay sau khi Văn kiện có hiệu lực. Việc thông qua này được coi là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm 8% hiệu ứng khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường từ nguồn lực quốc gia và có thể tăng lên tới 25% nếu có sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế./.

 

May Nguyễn