Sơ bộ thực trạng tranh chấp môi trường và tình hình giải quyết tranh chấp môi trường tại Đồng Nai
16/10/2020
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định về tranh chấp môi trường tại Điều 161. Theo đó có các dạng về tranh chấp gồm: khai thác, sử dụng thành phần môi trường xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

 

Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được xem là tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và được giải quyết theo các quy định pháp luật có liên quan.

 

 

Hồ Trị An khu vực xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu)

 

Quản lý công tác bảo vệ môi trường tại Đồng Nai được giao cho các cơ quan cụ thể gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chung, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai được ủy quyền quản lý trong khu công nghiệp, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện. Các cơ quan này đồng thời được giao giải quyết đơn thư khiếu nại, tốt cáo và phản ánh về môi trường.

 

(i) Tình hình chung về tranh chấp môi trường tại địa phương:

 

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, đồng thời cũng đối diện với sức ép của phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường ngày một lớn. các sức ép đó đến từ vấn đề dân số, vấn đề di cư và quá trình đô thị hóa, tính đến hết năm 2019 dân số Đồng Nai hơn 3,1 triệu người; sức ép từ hoạt động công nghiệp với 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 27 cụm công nghiệp địa phương. Ngoài ra sức ép lên giới hạn chịu tải của môi trường còn đến từ các hoạt động về xây dựng, giao thông, nông lâm ngư nghiệp.

 

Từ đó, các phát sinh liên quan đến tranh chấp môi trường ở nhiều mức độ khác nhau và có những vụ việc kéo dài như Vedan, AB Mauri, hay những vụ việc lặp lại hàng năm như làng cá bè La Ngà (Định Quán), làng cá bè Tân Mai (Biên Hòa), hoạt động khai thác khoáng sản tại phường Phước Tân (Biên Hòa) và xã Thạnh Phú, xã Thiện Tân (Vĩnh Cửu),...

 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết phản ánh về môi trường, từ năm 2015 đến hết tháng 9/2020, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt như sau: Năm 2015: xử phạt đối với 78 trường hợp với số tiền gần 5,3 tỷ, năm 2016: 45 trường hợp, gần 4,4 tỷ; năm 2017: 120 trường hợp, số tiền là 15 tỷ, năm 2018: 70 trường hợp, 13,8 tỷ; năm 2019: 35 trường hợp, 5,7 tỷ; 9 tháng đầu năm 2020: 45 trường hợp, 9,6 tỷ.

 

(ii) Thực tế giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh:

 

Vụ việc tranh chấp môi trường điển hình có thể kể đến là vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam. Giữa một bên là người dân trong khu vực, các bè nuôi cá trên sông với một bên là Công ty AB Mauri. Sự việc gay gắt đến mức người dân nhiều lần tụ tập đông người trước  nhà máy, ngăn cản không cho hoạt động.

 

Từ năm 1994 đến năm 2003, người dân xung quanh Công ty AB Mauri phản ánh Công ty có phát sinh mùi hôi trong quá trình sản xuất, ngày 24/11/2003, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với hình thức phạt cảnh cáo và buộc Công ty chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nước thải, khí thải trước khi thải ra môi trường.

 

Năm 2006, Công ty xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 05 đến dưới 10 lần trường hợp lưu lượng nước thải lớn hơn 5000m3/ngày, do đó UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty và yêu cầu Công ty AB Mauri xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, thời hạn trước ngày 30/01/2007.

 

Năm 2007, Công ty tiếp tục xả nước thải vượt tiêu chuẩn, UBND tỉnh ban hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty và yêu cầu giảm công suất theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời Công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới nhằm đảm bảo quy mô công suất cũng như hiệu quả xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

 

Năm 2008, Thanh tra Sở đã xử phạt hành chính đối với Công ty hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 02 đến dưới 05 lần, lưu lượng xả thải trên 5.000m3/. Bên cạnh đó, UBND yêu cầu Công ty đền bù thiệt hại cho các hộ dân nuôi cá bè.

 

Năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành danh mục và việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường. Theo đó Công ty AB Mauri thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với lý do nước thải không đạt quy chuẩn môi trường. Công ty đã bị UBND tỉnh buộc tạm ngừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường và dần phục hồi sản xuất đến hết năm 2010.

 

Năm 2011, Công ty tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính với 04 quyết định của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra Tổng cục Môi trường.

 

Trước các vi phạm về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, các hành vi vi phạm nhiều lần, UBND tỉnh có Quyết định số 3116/QĐ-TĐCHĐ ngày 22/11/2011 áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động đối với Công ty AB Mauri do Công ty thuộc danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Công ty vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên tục, kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát.

 

Năm 2012 đến năm 2015, Công ty nổ lực khắc phục và được Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định chứng nhận Công ty AB Mauri đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm.

 

Ngày 17/4/2019, Công ty AB Mauri có sự cố trong vận hành hệ thống xử lý nước thải làm phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, có phản ánh của người dân khu vực xã La Ngà, huyện Định Quán. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xem xét xử lý đối với 03 hành vi vi phạm, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 64/QĐ-XPVPHC ngày 29/5/2019 về bảo vệ môi trường đối với Công ty AB Mauri, tổng số tiền phạt là 85 triệu đồng.

 

(iii) Đánh giá khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh về môi trường và đề xuất giải pháp khắc phục.

 

Môi trường là một thể thống nhất không thể tách rời, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Vậy nên tranh chấp môi trường xảy ra thường có quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau bởi đặc điểm tác động lẫn nhau giữa các thành phần môi trường. Chủ thể trong tranh chấp đa dạng dẫn đến việc xác định số lượng cụ thể các đương sự trong một vụ tranh chấp môi trường là khó khăn. Chẳng hạn như trường hợp vụ việc Vedan đã xảy ra từ năm 2008 nhưng đến nay Tòa án vẫn còn giải quyết đơn yêu cầu bồi thường từ người dân do không thống nhất được ranh ô nhiễm. Hay như xung đột quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai giữa các tỉnh giáp ranh là Bình Dương – Đồng Nai, Lâm Đồng – Đồng Nai; xung đột về nhu cầu sử dụng nguồn nước và chất lượng nước mặt giữa Bình Thuận – Đồng Nai và Vũng Tàu – Đồng Nai.

 

 

Tọa đàm về tranh chấp môi trường giữa Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp)

và Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai ngày 07/10/2020.

 

Tranh chấp môi trường dễ thấy nhất là tranh chấp thành phần môi trường sống. Thể hiện qua lợi ích chung là chất lượng môi trường sống không khí, đất, nước, âm thanh đối với tất cả mọt người và lợi ích riêng là tài sản, tính mạng, sức khỏe do chất lượng môi trường đem lại. Hai lợi ích này luôn gắn liền với nhau nhưng đối với lợi ích riêng thì được quan tâm hơn và được ước lượng và được yêu cầu bồi thường. Qua đó cũng thấy rằng vị thế của các bên trong tranh chấp môi trường không công bằng với nhau do công cụ xác định thiệt hại chưa được chuẩn hóa, người dân không đủ các công cụ pháp luật và am hiểu chuyên môn để tự bảo vệ lợi ích của mình khi bị xâm hại.

 

Tranh chấp môi trường có thể nảy sinh ngay từ giai đoạn lấy ý kiến cộng đồng dân cư địa phương khi lập thủ tục môi trường, tức là các dự án đầu tư chưa triển khai. Hoặc khi dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động, hoặc do lo ngại tình trạng ô nhiễm tương tự đã xảy ra ở địa phương khác mà cũng xảy ra tranh chấp.

 

Giá trị thiệt hại trong tranh chấp môi trường thông thường rất lớn, lâu dài và khó xác định hay định giá về mặc thực tế. Do vậy có tình trạng người bị thiệt hại kê khống lên (như số lượng cá chết) để nhận tiền đền bù. Thậm chí lợi dụng sự không định lượng được thiệt hại, chủ thể trong tranh chấp môi trường cố tình gây ra các cuộc khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến các chủ thể khác trong tranh chấp, bất ổn xã hội và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.

 

Từ những nội dung trên, thấy rằng cần thành lập một cơ chế tài phán độc lập, hoàn thiện pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ các bên tranh chấp môi trường. Trong đó, vấn đề bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường cần xây dựng bộ khung trên cơ sở tính toán thiệt hại chung về tài nguyên đất, nước, không khí, sinh vật.

 

Song song đó hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát chung tài nguyên và môi trường theo lưu vực sông suối trên cơ sở nâng cấp và trao thêm quyền cho các Ủy ban lưu vực sông.

 

Hoàng Mỹ