Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
27/09/2022
Ngày 26 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược),

 

 

Trong bối cảnh Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.

 

Chiến lược xác định quan điểm “thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chiến lược cụ thể các mục tiêu về thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện.

 

Một trong những mục tiêu quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính được đề ra trong Chiến lược là “Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0"; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ); lĩnh vực nông nghiệp giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 56 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 90,7%, lượng phát thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.”

 

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Chiến lược đưa ra 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, gồm:

 

1- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu:

 

- Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững;

 

- Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

 

2- Về giảm phát thải khí nhà kính:

 

- Nhiệm vụ chung về giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 và đến năm 2050;

 

- Giảm phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực.

 

3- Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu:

 

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách;

 

- Truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng;

 

- Phát triển nguồn nhân lực;

 

- Phát triển khoa học và công nghệ;

 

- Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu;

 

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Tỉnh Đồng Nai đã có những bước chuẩn bị phù hợp với Chiến lược về biến đổi khí hậu của quốc gia. Năm 2021, tỉnh đã ban hành các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nhiệm vụ, nội dung thực hiện theo hướng mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 của Chiến lược.

 

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh được giao theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND tỉnh các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh theo chỉ đạo tại văn bản số 8048/UBND-KTN ngày 02/8/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Phạm Thị Hồng Yến