ĐỒNG NAI BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC.
30/03/2023
Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, vùng đất nối liền giữa Nam Bộ, cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên. Tỉnh Đồng Nai là trung tâm và đầu mối giao lưu của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, được gắn kết bằng cả đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không, thông thoáng và rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tỉnh Đồng Nai có một hệ thống sông ngòi (Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) phong phú. Chiếm gần đại bộ phận miền Đông Nam Bộ, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có một vị trí rất quan trọng về mặt tài nguyên nước, nguồn điện năng và giao thông thủy. Dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai là nơi tập trung hầu hết những khu đô thị lớn và hàng chục thị trấn, khu dân cư đông đúc, các công trình xây dựng, kiến trúc, giao thông thủy và bộ như cầu đường, bến phà, và các công trình thủy lợi, các hồ chứa ở thượng nguồn, các nhà máy cung cấp nước, các trạm bơm, kênh rạch, cống đập, tuyến đê bao, bờ kè.

 

 

 

Suối Reo đoạn chảy qua địa bàn huyện Thống Nhất

 

Dòng sông mang lại những lợi ích to lớn như: cấp nước, phát triển giao thông, nuôi trồng thủy sản... phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Song song với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các khu đô thị, khu du lịch và công nghiệp phát triển với tốc độ cao, là nhu cầu sử dụng nước tăng, là xả thải ra môi trường nhiều hơn, tình trạng lấn chiếm bờ sông, bờ suối, san lấp ao, hồ trái phép để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở,... việc chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm sông suối, ao hồ diễn ra phổ biến từ nhiều năm qua làm suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

 

Ngày 06 tháng 5 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, trong đó, quy định các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng: (i) Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; (ii) Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; (iii) Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; và (iv) Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

 

 

 

Đập Đồng Hiệp trên Bàu Ngứa ở xã Phú Điền

 

Căn cứ quy định nêu trên, ngày 27 tháng 12 năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND về Quy định hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo đó tỉnh Đồng Nai có 896 nguồn nước (sông, suối, kênh, rạch) và 33 hồ tự nhiên và hồ thuỷ lợi cần phải lập hành lang bảo vệ. Theo quyết định, huyện Nhơn Trạch là địa phương có nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ lớn nhất gồm 186 nguồn nước; huyện Xuân Lộc xếp thứ 2 có 114 nguồn nước và 03 hồ; thành phố Biên Hoà xếp thứ 3 là 107 nguồn nước; huyện Định Quán là 76 nguồn nước; huyện Vĩnh Cửu là 58 nguồn nước; thành phố Long Khánh là 41 nguồn nước và 03 hồ; huyện Thống Nhất là 60 nguồn nước; huyện Trảng Bom là 58 nguồn nước và 04 hồ; huyện Cẩm Mỹ là 74 nguồn nước và 06 hồ, huyện Long Thành là 50 nguồn nước và 03 hồ, huyện Tân Phú là 72 nguồn nước và 14 hồ.

 

Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trong Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ ban hành kèm theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 và là căn cứ để xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Cũng theo quyết định, UBND cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án và nguồn kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hàng năm trên địa bàn để trình UBND tỉnh phê duyệt và phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn và phối hợp thực hiện cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc được phê duyệt.

 

UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa theo phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi có chỉ đạo của UBND cấp Huyện.

 

Việc tổ chức thực hiện quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng, cần thiết góp phần quan trọng bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung yêu cầu về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh được ban hành tại Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

 

Phạm Thị Hồng Yến