Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT Hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.
02/10/2023
Nội dung lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) vào chiến lược, quy hoạch đã được quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường. Ngày 31 tháng 7 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT về Hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch Thông tư gồm 04 chương, 19 điều.

 

 

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch của các cơ quan có sự thống nhất, hiệu quả phục vụ phát triển bền vững.

 

Theo danh mục chiến lược, quy hoạch phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH ban hành kèm theo Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT, Chiến lược phải thực hiện lồng ghép gồm: Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng (Chiến lược phát triển công nghiệp, Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Chiến lược khoáng sản, Chiến lược thủy lợi, Chiến lược phát triển thủy sản, Chiến lược phát triển chăn nuôi, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chiến lược phát triển năng lượng, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng). Quy hoạch phải thực hiện lồng ghép gồm: Quy hoạch quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Quy hoạch tổng thể về năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng)); Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia, Quy hoạch thủy lợi, Quy hoạch đê điều, Quy hoạch phát triển điện hạt nhân).

 

Quy trình lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH được thực hiện theo 5 bước đối với cả chiến lược và quy hoạch:

 

Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược (5 bước thực hiện): (1) Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong thuyết minh nhiệm vụ xây dựng chiến lược; (2) Phân tích tác động của BĐKH, yêu cầu ứng phó với BĐKH; (3) Xác định giải pháp ứng phó với BĐKH để lồng ghép vào chiến lược; (4) Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược; (5) Lấy ý kiến nội dung ứng phó với BĐKH đã lồng ghép.

 

Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch (5 bước thực hiện): (1) Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong nhiệm vụ lập quy hoạch; (2) Phân tích tác động của BĐKH, yêu cầu ứng phó với BĐKH; (3) Xác định giải pháp ứng phó với BĐKH để lồng ghép vào quy hoạch; (4) Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch; (5) Lấy ý kiến nội dung ứng phó với BĐKH đã lồng ghép.

 

Thông tư yêu cầu cần xác định giải pháp ứng phó BĐKH để lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch:

 

Về thích ứng BĐKH: Thông tư chỉ rõ cần xác định các ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, cộng đồng dân cư có nguy cơ chịu tác động tiêu cực của BĐKH. Giải pháp thích ứng với BĐKH gồm: Thể chế, chính sách; công trình, phi công trình; phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực tài chính, hợp tác quốc tế và các giải pháp khác. Trong đó, ưu tiên giải pháp thích ứng với BĐKH có hiệu quả, bền vững; giải pháp tận dụng tác động tích cực do BĐKH mang lại.

 

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK): Cần xác định các ngành, lĩnh vực, đối tượng phát thải KNK chủ yếu. Cùng với đó là mục tiêu giảm phát thải KNK tổng thể, mục tiêu giảm phát thải KNK đối với ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm; đóng góp vào mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của quốc gia. Các giải pháp thực hiện giảm nhẹ phát KNK phải phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển quốc gia, ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2023.

 

Phạm Thị Hồng Yến