Hà Giang: Gò lưng chống khát
24/12/2007
Đã bao đời nay, đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) luôn phải đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt kéo dài suốt 6 tháng trong năm. Những chuỗi ngày dài không một hạt mưa, khiến đất thêm cằn, đá thêm trơ, còn đồng bào lại tiếp tục gò lưng chống chọi với cơn khát.

Hứng sương thay nước

Từ thị xã Hà Giang, chúng tôi vượt 150km đường dốc, quanh co để đến với Đồng Văn. Bắt đầu bước sang mùa khô, cao nguyên Đồng Văn như rùng mình trước cái lạnh dưới 10 độ C. Sương giăng mịt mùng. Từng vạt ngô ven đường lá úa vàng như cóng lại. Các mạch nước ngầm từ khe núi dần khô kiệt, trơ đất đỏ ối. Chúng tôi rẽ vào xã Vần Chải, bắt gặp đoàn giáo viên Trường THCS Vần Chải đang hành trình ngược ra, chở theo những can nhựa 20 lít. Thì ra các thầy cô đang xuôi xuống thị trấn mua nước ngọt về dùng. Thầy giáo Nguyễn Văn Đức nói nửa đùa nửa thật: “Thiếu nước đến héo cả người. Anh cứ vào trường sẽ thấy, chúng tôi thèm nước đến mức nào”. Tại khu tập thể giáo viên Trường THCS Vần Chải, thầy giáo Hoàng Văn Luyện (người Tày) đang lom khom chắt từng chút nước trong xô, chậu vào thùng phuy. Hỏi ra mới hay, từng gáo nước con con ấy không phải nước nguồn trong khe núi hay nước giếng mà chính là sương. Thầy Luyện cho biết: “Vào mùa khô, cao nguyên này rất ít mưa. Nhưng sương mù thì nhiều vô kể”. Ngay giữa trưa, khi trời đã hửng nắng, sương mù vẫn ùn ùn khắp nơi. Những ngày hiếm nước, thầy Luyện “phát minh” ra cách huy động tất cả xô, chậu của khu tập thể ra hứng nước dưới mái nhà. Qua một ngày đêm, thầy cũng chắt được 5-7 lít nước, đủ dùng cho những sinh hoạt tối thiểu. Thầy Luyện cho biết thêm, nước sạch dùng cho ăn, uống phải đi mua, nước ngầm trong các khe núi đã cạn kiệt gần hết.

Cùng lúc đó, thầy Đức cũng chở can nước về tới, thầy than thở: “Cứ dăm hôm, chúng tôi lại phải vượt 20km đường rừng xuống thị trấn mua nước. Mỗi can 20 lít mất 8.000 đồng, thế mà nhiều khi không có mà mua”. “Nước ăn còn chưa đủ nói gì tới nước tắm rửa, giặt giũ. Khổ nhất là những đứa trẻ người Mông, Dao, Lô Lô trên cao nguyên đá này, đứa nào tóc cũng vàng khè, khét lẹt, tay chân cáu bẩn vì lâu ngày không được tắm gội, trông thương lắm” - thầy Đức chua xót nói.

Đức đưa tôi leo lên vạt núi, nơi rất đông bà con dân tộc đứng túm tụm. Thầy cho biết, cả khu trung tâm xã Vần Chải chỉ còn cái khe nhỏ này rỉ nước. Hàng chục đứa trẻ người Mông xách can nước đứng ngồi xếp hàng chờ tới lượt mình. Sùng A Mua nói, em đã đợi hơn hai giờ đồng hồ mà can nước vẫn chưa đầy. Bố mẹ lên nương rẫy, em phải đi lấy nước về cho cả nhà dùng. Hôm nào nhiều nước cũng mất cả buổi sáng mới lấy được đầy can. Có hôm, phải thức cả đêm, ngủ gục trên mỏm đá mà vẫn chưa tới lượt mình.

“Hồ treo” trên cao nguyên đá

Ông Ly Dũng Páo, Chủ tịch UBND xã Vần Chải bộc bạch: “Mùa khô năm nào cũng vậy, người dân phải vượt hàng chục kilômét, gò lưng gánh nước về dùng. Khổ cực trăm bề. Khó khăn là vậy, nhưng không có người Mông nào bỏ nương rẫy, nhà cửa ra đi; cũng chưa thấy giáo viên nào ở Vần Chải bỏ bản về xuôi. Cây ngô, con bò chịu được khô hạn, thì người Mông vẫn sống trên mảnh đất này thôi”. Ông Páo cho biết thêm, Vần Chải và Hồ Quáng Phìn đang được Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đầu tư xây dựng hồ dự trữ nước, cứu khát cho đồng bào các dân tộc trong mùa khô.

Nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai thăm dò và xây dựng thử nghiệm hồ treo tại xã Xà Phìn (huyện Đồng Văn) với dung tích 3.000m3 và đã thành công. Năm 2005, các nhà khoa học tiếp tục đề xuất xây dựng công trình hồ treo Tả Lủng (huyện Mèo Vạc) với dung tích 30.000m3. Điều kiện tự nhiên vốn rất khắc nghiệt nên việc thực hiện các công trình hồ treo là một trong những giải pháp tích cực, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho người dân vùng cao núi đá Hà Giang; đồng thời, cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sản xuất ở các xã Lũng Phìn, Vần Chải, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái (huyện Đồng Văn), Sủng Máng, Tả Lủng (huyện Mèo Vạc)...

Đặc biệt hơn, trong chuyến thăm tỉnh Hà Giang đầu năm 2007, ghi nhận kết quả thử nghiệm thành công hai hồ treo ở hai xã Tả Lủng và Xà Phìn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho xây dựng thêm 30 hồ treo tại Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng. Hy vọng, khi những hồ treo này hình thành, sẽ góp phần làm dịu đi cơn khát của đất và người trên cao nguyên đá.

                                            Theo www.monre.gov.vn