Một bộ Bách khoa toàn thư thu nhỏ về tỉnh Đồng Nai
30/06/2006
Nhằm giúp cho bạn bè trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn về Ðồng Nai, thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, quản lý và chỉ đạo khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng của tỉnh, góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, năm 2001, UBND tỉnh đã phê duyệt nội dung và cho phép tiến hành xây dựng Atlas Ðồng Nai...
Atlas Ðồng Nai được xây dựng dưới 2 dạng: Atlas điện tử và Atlas in trên giấy được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Các trang bản đồ trong Atlas Đồng Nai sử dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000, múi chiếu 6o, kinh tuyến trục 106o. Bản đồ nền được xây dựng trên cơ sở file số hóa bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, hệ tọa độ nhà nước HN-72 (thực hiện trong dự án Donagis) kết hợp với file bản đồ địa chính để bổ sung các yếu tố địa vật mới (như: giao thông, sông suối và các địa vật quan trọng khác), sau đó tiến hành tổng hợp và chuyển sang hệ quy chiếu, hệ tọa độ nhà nước VN-2000 để thành lập bản đồ nền bằng phần mềm Microsation.
Được chọn công nghệ nền bằng phần mềm Mapinfo khá phổ biến trên thế giới và sử dụng ngôn ngữ lập trình Visual Basic và Mapbasic, Atlas Đồng Nai điện tử có khả năng chạy tốt trên các loại máy tính phổ cập trên thị trường Việt Nam, không đòi hỏi cấu hình cao (với hệ điều hành Windows 9x/NT/2K/XP). Atlas điện tử có 252 trang bản đồ chuyên đề, được cấu trúc thành 6 phần: giới thiệu chung (1 chương); tự nhiên (4 chương); dân cư, dân tộc và lao động (1 chương); các ngành kinh tế (6 chương); văn hóa, xã hội (4 chương); phần tra cứu các danh mục.
Với kỹ thuật đa phương tiện, sử dụng bao gồm cả âm thanh (lời nói, âm nhạc), hình ảnh và phim video để minh họa nội dung của chủ đề bản đồ, Atlas Đồng Nai điện tử được xem như là một ngân hàng dữ liệu lưu trữ dưới dạng số có thể sử dụng trực tiếp trên máy tính để truy cập, tổng hợp thông tin, cập nhật thông tin thay đổi hàng năm, cũng như công tác tái bản Atlas sau này. Các trang bản đồ số đạt được tính thẩm mỹ, giao diện và các chức năng phân tích bản đồ thân thiện, có cơ chế bảo mật dữ liệu. Atlas điện tử không chỉ cho phép người sử dụng trình bày dữ liệu địa lý trên màn hình hoặc in ra giấy mà còn cho phép người dùng tra cứu thông tin thuộc tính ngay trên đối tượng bản đồ, thực hiện các thao tác hỏi đáp, tổng hợp, truy xuất, phân tích không gian và xử lý thông tin.
Toàn bộ hệ thống và cơ sở dữ liệu của Atlas điện tử (cả 2 ngôn ngữ: Anh, Việt) được ghi vào bộ CD (2 đĩa), xuất bản lần đầu 150 bộ và hàng năm sẽ phát hành theo yêu cầu thực tế.
Atlas in giấy có 284 trang, gồm: 158 trang bản đồ (tính cả trang đôi), 55 trang lời viết, 30 trang bìa và tên chương, 41 trang trắng, được cấu trúc thành 16 chương: Mở đầu, Lịch sử, Ðịa hình - Ðịa chất, Ðất đai, Khí hậu - Thủy văn - Môi trường, Thực vật - Ðộng vật, Dân cư - Dân tộc - Lao động, Kinh tế chung, Nông nghiệp - Lâm nghiệp, Công nghiệp, Giao thông - Vận tải - Bưu điện, Thương mại - Du lịch, Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm, Giáo dục - Y tế, Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Quy hoạch.
Atlas in giấy có kích thước 29 x 40cm. Ngoài 11 trang đôi có tỷ lệ 1/300.000, kích thước 58 x 40cm, các trang bản đồ trong Atlas Đồng Nai chủ yếu là trang đơn ở tỷ lệ chính 1/500.000, có kích thước 29 x 40cm. Đối với các trang bản đồ thể hiện phạm vi địa bàn huyện như chủ đề hành chính, hiện trạng sử dụng đất và các trang bản đồ thể hiện từng khu công nghiệp, tùy vào quy mô diện tích để xác định tỷ lệ cho phù hợp. Cụ thể: bản đồ huyện thay đổi từ 1/200.000 đến 1/70.000; tỷ lệ bản đồ khu công nghiệp thay đổi từ 1/15.000 đến 1/7.000. Các bản gốc tác giả được xây dựng trực tiếp bằng phần mềm Mapinfo, khi hoàn thành được kiểm tra, chỉnh hợp, tổng biên tập, thanh vẽ bản gốc tác giả bằng phần mềm Freehand để thống nhất hệ thống đường nét, hệ thống ký hiệu, các phương pháp thể hiện nội dung chủ đề bảo đảm kỹ thuật chế in. Sau đó tiến hành biên tập ra phim, in ấn chính thức bằng phương pháp in offset. Atlas in giấy xuất bản lần đầu 1.000 tập (bao gồm 500 tập tiếng Việt và 500 tập tiếng Anh).
Hội nghị “Tổng kết xây dựng và công bố phát hành Atlas Đồng Nai” sau 5 năm thực hiện (2001-2005) được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 14-9-2005 đã đánh giá: “Atlas Đồng Nai là một công trình khoa học lớn thể hiện đầy đủ thông tin về tỉnh Đồng Nai bằng ngôn ngữ bản đồ, hàm chứa trong đó ý chí của lãnh đạo, quyết tâm của quản lý, sáng tạo của khoa học, kinh nghiệm của nghề nghiệp và cần mẫn của lao động…”. Với 284 trang, trong đó có 3 trang giới thiệu, 158 trang bản đồ, 22 trang thuyết minh, 15 trang tra cứu,... Atlas đã cung cấp cho người đọc khối lượng tri thức đầy đủ, toàn diện, hệ thống về vùng đất Đồng Nai từ quá khứ lịch sử, hiện trạng phát triển, tới quy hoạch cho tương lai; từ nguồn lực tự nhiên và con người tới thành quả phát triển hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội; từ bình diện toàn tỉnh tới mức độ chi tiết của xã, phường, thị trấn. Chính vì những ý nghĩa nói trên, Atlas Đồng Nai đã được Hội nhà báo Đồng Nai bình chọn là 1 trong mười sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu của tỉnh năm 2005.
Có thể nói, Atlas Đồng Nai là một bộ bách khoa toàn thư thu nhỏ về tỉnh Đồng Nai, trong đó người đọc có thể tra cứu thông tin về tất cả các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội…Ưu điểm của Atlas Đồng Nai là tính đầy đủ thông tin và tiện dụng, mọi đối tượng ở các trình độ khác nhau đều có thể sử dụng, khai thác Atlas theo mục đích riêng của mình. Với đông đảo đại chúng, muốn tìm hiểu về Đồng Nai thì đây là kho tư liệu hết sức phong phú và hữu ích; chức năng tìm kiếm, truy xuất và xem thông tin cho phép người dùng dễ dàng tìm được thông tin mà mình quan tâm. Với các nhà quản lý, Atlas là phương tiện quản lý rất hiệu quả; việc tổng hợp, đánh giá liên kết thông tin trên từng trang và giữa các bản đồ sẽ cho thấy được quy luật hình thành, phát triển và phân bố của hiện tượng từ đó giúp hoạch định các chính sách phát triển ngành cho tương lai. Với các nhà chuyên môn, họ có thể tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về từng lĩnh vực chuyên ngành. Từ các dữ liệu hiện có, họ thể tái mô hình hoá, biểu hiện lại thông tin theo nhiều phương án khác nhau, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Với các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh Đồng Nai từ cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực, hiện trạng phát triển kinh tế của tỉnh, thì Atlas sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết.
Không dừng lại ở việc hoàn thành và xuất bản, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện Atlas Đồng Nai còn mong muốn sắp tới phải làm cho Atlas Đồng Nai gắn bó cùng với cuộc sống, đồng hành với quá trình xây dựng, phát triển của lãnh thổ, cung cấp một cách thường xuyên và kịp thời các thông tin phân tích và tổng hợp, góp phần vào các quyết định của lãnh đạo, nâng cao dân trí và thu hút đầu tư...Vì thế, nhiệm vụ trong thời gian tới là cần phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, tái bản Atlas Đồng Nai. Với sự quan tâm của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, cùng sự tâm huyết của các chuyên gia, cán bộ chuyên môn, chắc chắn Atlas Đồng Nai sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, có chất lượng cao hơn, để góp phần phục vụ thiết thực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh...
Võ Văn Chánh ; Hoàng Hồng Quang